(CAO) Hôm qua (20-4), truyền thông quốc tế đưa đậm nét thông tin một tàu đánh cá chở người nhập cư bị lật ngoài khơi Libya, khiến chừng 700 người thiệt mạng.
Con tàu dài 20 mét lật nhào khi người nhập cư thấy tàu chở hàng King Jacob (Bồ Đào Nha) đến cứu. Hàng trăm người đói khát trong hành trình đến vùng “đất hứa” châu Âu, vui mừng đổ dồn một phía về bên mạn tàu để leo lên King Jacob. Mất thăng bằng, con tàu chở họ lật nhào khiến 700 người chìm nghỉm dưới biển.
Vụ việc xảy ra tối 18-4 (giờ địa phương) nhưng hai ngày sau thông tin kinh hoàng này cộng đồng mới biết. “Bối rối” là từ diễn đạt chính xác nhất tâm trạng hiện thời của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và lãnh đạo những quốc gia là điểm đến như Ý của dòng người nhập cư Á, Phi.
Theo thống kê mới đây của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), chỉ riêng năm 2014 ước tính có đến 218.000 người nhập cư trái phép bằng những con tàu thô sơ qua biển Địa Trung Hải. Trong đó, 3.500 người đã thiệt mạng vì đói khát, tàu lật trước khi đến được bến bờ châu Âu.
Một con thuyền chở đầy người nhập cư vượt Địa Trung Hải sang châu Âu
Nguyên nhân chủ yếu của làn sóng này là khủng hoảng chính trị ở Libya và tình trạng bạo lực, cuộc sống khó khăn về kinh tế ở châu Phi và khu vực Trung Đông. Châu Âu trở thành “thiên đường” trong mắt những người liều mình vượt biển với mức sống cao và viễn cảnh được hưởng an sinh xã hội tốt.
Sau khi thảm họa chìm tàu xảy ra, những nhà lãnh đạo EU khẩn cấp kêu gọi một cuộc họp chung diễn ra càng sớm càng tốt nhằm bàn cách giải quyết thảm họa nhập cư. Hôm qua, cuộc họp khẩn đầu tiên sau thảm họa đã diễn ra tại Luxembourg.
Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Franøois Hollande nói trên kênh truyền hình Canal +: “EU cần hành động quyết liệt hơn - nhiều tàu thuyền tuần tra, cứu hộ hơn, tổ chức nhiều vụ truy bắt nạn nhập cư lậu hơn và xử lý mạnh tay hơn với bọn buôn người”.
Tuy nhiên, “nói thì dễ, làm mới khó” khi những tên đầu sỏ tổ chức vượt biên luôn có đủ ranh ma để tránh truy bắt. Bọn chúng thu phí đưa người sang trời Âu với giá cắt cổ rồi dồn hàng trăm người nhập cư lên những con tàu ọp ẹp, bỏ họ đói khát suốt hành trình. Khi tàu cập bến bị giới chức sở tại bắt, những tên tội phạm ung dung ngồi đếm tiền bên kia bờ biển.
Mặt khác, vùng biển rộng với thời tiết khắc nghiệt, nhiều vụ chìm tàu xảy ra buổi tối khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Khi nào sự chênh lệch mức sống giữa châu Âu và châu Phi vẫn còn tồn tại, bạo lực, bất ổn vẫn còn đeo bám, thì tâm lý thường tình của con người vẫn đổ về nơi họ nghĩ sẽ giúp mình có cuộc sống “an nhàn” hơn. Châu Âu vì thế sẽ còn “bối rối” dài cho đến khi tìm ra phương cách hữu hiệu chấm dứt nạn nhập cư chui.
Anh Duy