Vụ "Bỗng dưng bị buộc nộp thuế hơn 26 tỷ đồng":

Công ty chỉ có nhiệm vụ nộp tiền (!?)

Thứ Năm, 18/11/2021 11:18  | Thiện Thảo

|

(CATP) Như chúng tôi đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem xét, trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách ĐBQH tỉnh Cà Mau, vừa qua, ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ TNMT có văn bản trả lời với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý).

Kiểm tra thực địa khi điều kiện cho phép

Ngày 16-11, nhận được văn bản trả lời của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sau nhiều năm khiếu nại, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý không giấu bức xúc: "Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời như trên ép công ty vào đường cùng. Công ty có nhiệm vụ nộp tiền diện tích không sử dụng. Diện tích dôi dư xin trả cũng không xong. Là đơn vị tham mưu cho Bộ TNMT nhưng không tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác".

Thật vậy, theo văn bản số 1219 trả lời đơn kiến nghị của Công ty Công Lý do ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ký có nhiều điều bất ngờ.

Ông Vũ Hà Sơn lập luận, theo quy định trên, trách nhiệm báo cáo Bộ TNMT trước khi thực hiện hoạt động sử dụng biển là của Công ty Công Lý. Trên cơ sở báo cáo của công ty, Bộ TNMT có kế hoạch kiểm tra thực địa tình hình sử dụng khu vực biển, phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng biển của công ty chứ không phải để bàn giao khu vực biển. Việc tiến hành kiểm tra thực địa sẽ được Bộ TNMT tiến hành vào thời điểm thích hợp.

Văn bản ghi rõ, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Quyết định số 2115/QĐ-BTNMT không quy định việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền "bàn giao mốc tại thực địa". Khu vực biển đã giao cho công ty quản lý, sử dụng được xác định cụ thể bằng các điểm góc có tọa độ địa lý, tọa độ vuông góc thể hiện trên bản đồ khu vực biển được giới hạn bởi các điểm góc từ M1 đến M35 được trình bày trong Phụ lục của Quyết định số 2115/QĐ-BTNMT (thực hiện theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Phụ lục của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP).

Thực tế, tại Quyết định số 2115/QĐ-BTNMT ngày 14-9-2016 của Bộ TNMT khẳng định: "Trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải báo cáo Bộ TNMT kiểm tra thực địa tại khu vực biển được sử dụng".

Theo Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT quy định, việc xác định, thông báo số tiền sử dụng biển phải nộp và đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công ty nộp tiền sử dụng khu vực biển vào ngân sách nhà nước là trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh Cà Mau. Thời điểm bắt đầu tính tiền sử dụng khu vực biển của công ty là từ ngày 14-9-2016 (không phụ thuộc vào việc công ty đã sử dụng khu vực biển hay chưa sử dụng khu vực biển).

Công ty có trách nhiệm phải nộp tiền sử dụng khu vực biển theo Thông báo của Cục Thuế tỉnh Cà Mau. Trường hợp quá thời hạn nộp tiền theo Thông báo thuế, mà công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Công ty Công Lý cho biết, với văn bản trả lời trên, công ty sẽ tiếp tục khiếu nại.

Vận dụng văn bản không có lợi cho công ty

Cũng như văn bản trả lời của Bộ TNMT, nội dung xem xét miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển của Công ty Công Lý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, căn cứ Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT và các văn bản quy phạm pháp luật không quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển.

Trong khi đó, Nghị định 118/2015/NĐ-CP, dự án thuộc đối tượng hưởng ưu đãi tại Điều 16 do đầu tư tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, ngành nghề đặc biệt... nhưng lại không được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TNMT áp dụng.

Xung quanh đề nghị của Công ty Công Lý, công ty chỉ nộp tiền sử dụng khu vực biển trên diện tích khu vực biển mà chủ đầu tư thực tế đã sử dụng, không tính thu hết toàn bộ diện tích theo quyết định. Thực tế, công ty chỉ sử dụng 35ha/1968,8 ha. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, đề xuất của công ty không có cơ sở thực hiện bởi thu tiền thuê mặt nước biển theo Quyết định 2115. Công ty nhiều lần xin đăng ký điều chỉnh diện tích là 35ha là không phù hợp bởi Công ty Công Lý vẫn chưa có hồ sơ chính thức đề nghị trả lại một phần khu vực biển theo quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP (nay là Nghị định số 11/2021/NĐ-CP) nên không có đủ cơ sở để xem xét, giải quyết.

Ngày 9-8-2018, Công ty Công Lý có văn bản đề nghị điều chỉnh Nhà đầu tư thực hiện dự án từ Công ty thành Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. Tuy nhiên, hồ sơ của công ty chưa đủ điều kiện để sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển với lý do công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nên không được xem xét.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển số 2115/QĐ-BTNMT từ Công ty thành SWE Công Lý 1 hay Quyết định trả lại một phần khu vực biển của công ty thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT và việc tiếp nhận hồ sơ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ được quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

"Trường hợp công ty có nhu cầu sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển hay trả lại một phần khu vực biển, công ty phải lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển hoặc hồ sơ trả lại một phần khu vực biển theo quy định nêu trên của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, nộp hồ sơ tại Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Bộ TNMT", văn bản ghi rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang