(CATP) Vừa qua, Báo Công an TPHCM nhận được đơn tố cáo của ông Đỗ Tiến S. (đại diện Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ và thương mại AD - Cty AD, trụ sở tại Q12, TPHCM) tố cáo Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Việt Nam Toàn Cầu (Công ty Việt Nam Toàn Cầu, trụ sở tại số 17, tổ 7, ngách 279/42 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, Q.Long Biên, TP.Hà Nội) đã có hành vi chiếm dụng tiền của Công ty AD bằng thủ đoạn lập hợp đồng cung cấp một số lượng lớn pin năng lượng mặt trời.
Nhận tiền tạm ứng nhưng không giao hàng
Theo đơn tố cáo, tháng 11-2020, ông S. đại diện Cty AD ký một hợp đồng mua bán số 1011/2020/HĐMB/VNG-AD với Công ty Việt Nam Toàn Cầu (do ông Lê Mạnh Hòa làm Tổng giám đốc) để đặt mua 4.500 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu Risen, có công suất 445Wp với giá trị HĐ trên 12,8 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty AD đã thanh toán tạm ứng cho Công ty Việt Nam Toàn Cầu 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng ông S. nhận được những cái lắc đầu với lý do không có hàng để giao, khiến cho Cty AD bị trễ tiến độ cam kết với đối tác và phải chịu phạt đền bù thiệt hại cho dự án 300 triệu đồng.
Nhiều lần đòi nợ, ông S. được ông Hòa cho biết sẽ có một bên thứ 3 đứng ra trả khoản nợ 3,3 tỷ đồng thay cho Công ty Việt Nam Toàn Cầu. Ông Hòa giới thiệu với ông S. một công ty có tên Công ty TNHH POVER CAPITAL Việt Nam (KP1, P.Tân Đồng, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) do bà Nguyễn Thị Hoàng Yến làm giám đốc) sẽ là bên thứ 3 có trách nhiệm trả khoản nợ thay cho Công ty Toàn Cầu.
Ngày 22-01-2021, 3 công ty trên đã ký một biên bản làm việc có nội dung chuyển khoản nợ Công ty Việt Nam Toàn Cầu đang nợ Cty AD sang cho Công ty POVER CAPITAL Việt Nam. Theo nội dung biên bản, Công ty POVER CAPITAL Việt Nam đang nợ Công ty Việt Nam Toàn Cầu 7 tỷ đồng và Công ty POVER CAPITAL Việt Nam có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 3,3 tỷ đồng cho Công ty AD thay cho Công ty Việt Nam Toàn Cầu. Việc thanh toán được chia làm 2 lần và hạn chót là trước ngày 6-2-2021.
Đáng chú ý, trong biên bản làm việc nói trên, bà giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Yến chỉ ký tên nhưng không ghi rõ họ tên. Trong thành phần đại diện của Công ty POVER CAPITAL Việt Nam thì ngoài bà Yến đứng chức danh giám đốc còn có một người khác tên Phạm Thị Thanh Lụa (SN 1980) cùng tham gia họp nhưng không ký biên bản.
Thế nhưng Công ty POVER CAPITAL Việt Nam cũng viện lý do khó khăn và chây ỳ không thanh toán khoản nợ trên cho Cty AD như thỏa thuận. Khi ông S. gọi điện cho ông Hòa thì... thuê bao đang tạm khóa, còn điện thoại bàn 02466821490 mà ông Hòa cung cấp để ghi trên thông tin HĐ và biên bản làm việc cũng ở trong trạng thái... "không đúng".
Giám đốc ký nhận nợ đang đi làm thuê (?!)
Chúng tôi đã liên hệ với giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Yến thì được biết hiện nay đang đi làm công nhân. Ở thời điểm ký biên bản làm việc nói trên, bà Yến được bà Lụa thuê làm giám đốc công ty với mức lương 5 triệu đồng/tháng và thuê nhà tại Q7 để ở. Công việc của bà Yến là đi ký các HĐ, biên bản làm việc do bà Lụa chỉ định chứ hoàn toàn không biết nội dung các văn bản đã ký. Sau thời gian làm giám đốc, bà Yến thấy hơi lo lắng về việc mình đang làm và được nhiều người cảnh báo là dễ bị đi tù thay nên đã thôi chức danh giám đốc, về TP.Đồng Xoài đi làm công nhân.
Theo một luật sư, Luật doanh nghiệp 2015 không cấm công ty thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc. Do vậy, doanh nghiệp được quyền thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước HĐTV hoặc HĐQT về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Thông thường, việc thuê giám đốc thông qua việc ký một hợp đồng lao động và một quyết định bổ nhiệm, mối quan hệ này được điều chỉnh bởi Luật lao động và việc thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc thuê như một người lao động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc cho thấy một số người khi nhận lời làm "giám đốc" công ty phần vì thiếu hiểu biết pháp luật, phần do không lường trước được ý đồ của kẻ giật dây sau lưng nên đã dễ dàng ký vào các hợp đồng kinh tế, văn bản pháp lý, hoặc vay tiền ngân hàng để tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp trên, bản thân bà Yến hoàn toàn không biết nội tình nợ nần giữa các doanh nghiệp nhưng được bà Lụa chỉ đạo nên đã ký vào biên bản nhận chuyển nợ.
Làm việc với PV Báo CATP, bà Lụa cũng thừa nhận bà Yến chỉ là giám đốc thuê để ký chứ không biết gì. Bà Lụa cho biết hiện nay cũng không có kinh phí để thanh toán khoản nợ cho ông S. và cũng không liên lạc được với ông Hòa. Nhằm làm rõ nội dung đơn tố cáo, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Hòa bằng điện thoại bàn và ĐTDĐ nhưng không được.
Theo Quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công Thương, mục tiêu điện mặt trời trong năm 2020 sẽ đạt 850 MWp, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp và cán mốc 12.000 MWp năm 2030. Nhưng ngay khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam, điện mặt trời đã bùng nổ, phát triển như vũ bão đã khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng. Được biết, trong các tấm pin mặt trời có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra vô cùng lớn, nếu không có biện pháp xử lý mà đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.