Vụ án "chém nhầm" ở Cà Mau: Tuyên án khi không xét kháng cáo?

Thứ Hai, 24/01/2022 20:19  | Thu Hiền

|

(CATP) Không đồng tình với phiên tòa phúc thẩm mà các bị cáo cho là thiếu khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, 4 bị cáo Đặng Hữu Thời, Lê Phước Trung, Nguyễn Hoài Nam, Lâm Hải Long vừa nộp đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao xem xét kháng nghị Giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm ngày 12 và 13-1-2022 của TAND tỉnh Cà Mau.

Buộc tội bằng lời khai không có giám hộ?

Vụ án "chém nhầm" người ở TP.Cà Mau xảy ra ngày 15-3-2015, lúc bị bắt Lâm Hải Long mới 15 tuổi 7 tháng 8 ngày nhưng trong suốt quá trình điều tra, cha mẹ Long không được giám hộ cho con dù nhà họ ở tại TP.Cà Mau, cả hai đều không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền giám hộ.

Là nghi can được mời làm việc đầu tiên, Long khai lúc hơn 12 giờ đêm ngày 14-3, Long cùng ba người bạn gồm Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Hà Duy, Nguyễn Phương Nam (Nam heo rừng) đi ăn bánh mì, sau đó Hà Duy ra về, còn Tuấn và Nam về nhà Long mở máy tính lên Facebook rồi ngủ đến sáng. Lời khai của Long phù hợp với lời khai của Hà Duy, Tuấn, Nam "heo rừng" tại công an huyện Cái Nước.

Thậm chí Long còn có bằng chứng ngoại phạm là vi bằng của thừa phát lại ghi nhận việc Long truy cập, đăng tin trên trang Facebook cá nhân lúc 1 giờ 31 phút ngày 15-3. Trớ trêu là từ lời khai của Long, Nguyễn Anh Duy và Nguyễn Hoài Nam bị bắt vì trùng tên với Lê Hà Duy, Nguyễn Phương Nam. Ra tòa, Long khai không biết, không chơi chung với hai bị cáo tên Nam và Duy.

Liên quan đến việc Long ở đâu vào thời điểm xảy ra vụ án, Nam "heo rừng" khai ngủ cùng với Long ở nhà của Long, không thấy Long đi đâu. Lời khai của Nam "heo rừng" phù hợp với hồ sơ thu thập ban đầu của CA huyện Cái Nước. Thế nhưng kiểm sát viên Ngô Kiên Định (Báo CATP đã có bài viết về file ghi âm KSV có dấu hiệu dụ dỗ, dọa nạt Nam "heo rừng" phải đi khỏi địa phương để không làm nhân chứng cho Long) lại hướng dẫn Nam "heo rừng" khai sai sự thật!

Do không có cha mẹ giám hộ lại bị ép buộc, Long đã khai 6 người liên quan gồm Đặng Hữu Thời, Lâm Tấn Phong, Hà Gia Nguyên, Nguyễn Anh Duy, Lê Phước Trung, Nguyễn Hoài Nam. Sau đó Nguyên và Phong chứng minh ngoại phạm nên được trả tự do; Duy được đình chỉ bị can sau 27 tháng tạm giam. Các cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau "lạ" ở chỗ, mặc dù Duy đã được đình chỉ, đang khởi kiện yêu cầu bồi thường oan sai nhưng quá trình xét xử vẫn mô tả Duy có mặt tại hiện trường.

Bốn bị cáo vẫn đồng loạt kêu oan

Khiên cưỡng hơn, trong khi các bị hại khai bị một nhóm khoảng 20 người chạy xe máy qua mặt rồi quay lại chém, thì nhóm của Thời được mô tả là đứng chờ sẵn, thấy bị hại đi qua thì đánh chém. Hai nạn nhân Toàn, Tiến thừa nhận do đêm tối không xác định được đối tượng nên đã nhận dạng sai Nguyên, Đăng, Phong, Long là những người đã chém họ, trong khi 3 trong số 4 người này không liên quan đến vụ án.

Đặc biệt, các bị hại đều không nhận diện Thời có tham gia hay Trung là người trực tiếp cầm dao chém. Các lời khai khác về thời gian xảy ra vụ án cũng như kết quả giám định con dao cùng ba cái bàn đá... bộc lộ nhiều mâu thuẫn, song tòa án lại nhận định: "Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, phù hợp với lời khai của người chứng kiến sự việc...". sau đó kết luận: "Mặc dù có thiếu sót trong việc tiến hành nhận dạng người vi phạm, hung khí gây án, tuy nhiên, những thiếu sót, vi phạm trên không làm thay đổi nội dung vụ án, bản chất sự việc".

Phiên tòa phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng?

Trong khi "nhân chứng" có những lời khai rõ ràng, thậm chí tố giác KSV Ngô Kiên Định tại tòa thì "vật chứng" dùng để buộc tội các bị cáo lại không rõ ràng. Cụ thể là con dao màu trắng (sau đó đổi thành màu xám) cùng 3 cái bàn đá thu giữ sau 2 năm xảy ra vụ án. Trình bày tại tòa, ông chủ quán cà phê C.T nói rằng quá trình sửa quán có di dời những cái bàn và vết nứt trên bàn là do tôn rớt làm mẻ. Điều đó có nghĩa 3 cái bàn thu giữ không phải là vật chứng liên quan vụ án?

Bị buộc tội mà mình không làm nên từ phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, các bị cáo đã kêu oan. Luật tố tụng quy định việc xét xử phúc thẩm là nhằm kiểm tra lại tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án sơ thẩm, sửa chữa những sai lầm và vi phạm của tòa án sơ thẩm. Điều 353 BLTTHS 2015 quy định: Trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, có quyền bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới.

Diễn biến phiên tòa phúc thẩm ngày 12 và 13-1 tại TAND tỉnh Cà Mau dường như không thực hiện đúng quy định nêu trên. Cả bốn bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan đã nộp đơn kháng cáo bổ sung kèm theo 2 tập tài liệu ghi chép từ file ghi âm buổi làm việc của KSV Ngô Kiên Định với nhân chứng Nguyễn Phương Nam (Nam "heo rừng"), trong đó ông Định hướng dẫn Nam khai không đúng sự thật, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án nhưng HĐXX không xem xét, thẩm vấn nội dung kháng cáo và chứng cứ bổ sung. Các bị cáo và luật sư không được trình bày nội dung kháng cáo bổ sung nhưng HĐXX lại tuyên bác kháng cáo là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong vụ án, Nam "heo rừng" là nhân chứng quan trọng, lời khai của Nam xác định Long ngoại phạm, không tham gia đánh nhau. Từ đó dẫn đến các bị cáo Thời, Trung, Nam cũng không thực hiện hành vi đánh chém người. Tại phiên xử phúc thẩm, Nam "heo rừng" được triệu tập với tư cách là người hiểu biết sự việc nhưng HĐXX lại không thẩm vấn Nam mặc cho các bị cáo và luật sư nhiều lần yêu cầu.

Ngoài ra, vai trò của Tổng và Phong cũng chưa được làm rõ. Hồ sơ xác định Tổng là người chở Thời về nhà lấy hung khí rồi chở đến nơi gây án, Phong là người Thời kêu đến đón Long để đánh nhau, trong quá trình điều tra Phong thừa nhận có cầm mã tấu chém người. Vì lý do gì Tổng và Phong bị tách ra khỏi vụ án này để điều tra, xử lý sau. HĐXX phúc thẩm lần thứ nhất cho rằng nếu chưa đủ cơ sở xác định được Tổng, Phong có tham gia vụ án thì ai là người chở Thời lấy hung khí và ai là người rước Long? Tổng và Phong ở đâu khi các bị cáo gây án?

Vụ án kéo dài 7 năm, dấu hiệu gây oan sai cho 3 người rõ ràng, chứng cứ buộc tội mơ hồ và đầy mâu thuẫn, quá trình tố tụng nhiều thiếu sót và vi phạm nghiêm trọng. Thế nên các bị cáo kêu oan là có cơ sở, rất cần được cấp cao làm sáng tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang