HÀNG NGHÌN MÉT VUÔNG ĐẤT RỪNG, BỜ BIỂN BỊ "NUỐT" (!)
Theo phản ánh của người dân, Hòn Đụng (hay Hòn Vang) thuộc ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm là hòn đảo nhỏ rất đẹp, nằm cách xa đất liền. Một số cá nhân đã lợi dụng việc này để phá rừng, chiếm đất, lấn biển, xây trái phép nhiều công trình... nhằm mục đích tư lợi. Trong đó, có hai trường hợp điển hình là ông Phạm Văn Thêm (SN 1982, ngụ xã Hòn Thơm) và bà Nguyễn Thu Huyền (SN 1973, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) nhưng được lãnh đạo UBND xã "thương" nên không xử lý nghiêm(?!).
Có mặt tại trụ sở UBND xã Hòn Thơm sáng 21-9-2020, phóng viên Báo Công an TPHCM đặt một loạt câu hỏi với Chủ tịch xã Dương Thanh Vân liên quan hành vi của ông Thêm và bà Huyền. Chủ tịch Vân cho biết, cả hai trường hợp này xã nắm rõ. Cụ thể:
Đối với ông Thêm, việc chiếm đất, lấp bờ biển là có thật. Ông Thêm đang sử dụng khu đất hơn 23.000m2 tại Hòn Đụng, nằm sát bờ biển, có nguồn gốc của gia đình bà Trần Thị Lùng khai phá trước năm 1978. Đến năm 2005, bà Lùng bán lại cho ông Thêm sử dụng đến nay.
Qua tin báo của người dân, ngày 21-4-2020, cán bộ Địa chính xã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện ông Thêm chiếm đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý (liền kề khu đất 23.000m2) và lấp biển với diện tích lớn. Xã đã lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức đo vẽ hiện trạng xác định ông Thêm chiếm tổng cộng 9.694,3m2, trong đó, phần lấn bờ biển có diện tích 1.668,4m2.
Đối với trường hợp bà Huyền, Chủ tịch Dương Thanh Vân cho biết: Ngày 10-4-2020, UBND xã Hòn Thơm phối hợp với Vườn Quốc gia Phú Quốc và Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành kiểm tra, phát hiện tại khu đất (giáp ranh khu đất của ông Thêm) đã được san ủi mặt bằng, xây 1 căn nhà 63,6m2, cất 3 căn nhà tạm (cây, lợp lá) cùng một số công trình khác như xây bờ kè bằng đá hộc, làm sân, lát gạch vỉa hè... Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, tổ chức đo đạc, ghi nhận hiện trạng.
Xác định chủ công trình trên là bà Nguyễn Thu Huyền, ngày 20-4-2020, UBND xã Hòn Thơm đã mời bà này làm việc. Theo bà Huyền trình bày, khu đất mà bà xây nhiều công trình có nguồn gốc của vợ chồng cụ Lê Thị Mực (SN 1942, ngụ xã Hòn Thơm), khai phá trước năm 1975 với diện tích hơn 17.000m2. Trên đất, có ba ngôi mộ của chồng, mẹ ruột và cháu cụ Mực. Năm 2007, cụ Mực ký giấy tay bán toàn bộ khu đất cho bà Huyền sử dụng đến nay. Qua làm việc, bà Huyền thừa nhận việc xây dựng không xin phép là sai và cam kết tự khắc phục.
Ngoài hai trường hợp vừa nêu, tại Hòn Đụng vừa xảy ra một vụ mới nhưng được ngăn chặn kịp thời. Qua tin báo của người dân, ngày 18-7-2020, nhóm người mang nhiều loại cây ăn trái đến Hòn Đụng trồng trái phép, mục đích để bao chiếm đất. Các lực lượng chức năng nhanh nhóng có mặt tại Hòn Đụng, phát hiện hàng chục cây xoài, bưởi (đường kính từ 15 - 20cm) bỗng dưng "mọc" lên trên những khu đất do Nhà nước quản lý. Bị phát hiện, nhóm phá rừng, chiếm đất này "bỏ của chạy lấy người". Toàn bộ số cây trên trồng "lậu" bị tiêu hủy theo quy định.
Hiện trạng khu đất lấn biển của ông Thêm, chụp ngày 21-9-2020
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM
Khi phát hiện vi phạm thì lãnh đạo UBND xã Hòn Thơm và các cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm. Cụ thể, đối với ông Thêm, UBND xã đã lập hồ sơ và làm tờ trình kiến nghị huyện xử lý. Trước đó, ông Thêm đã có hành vi chiếm 864m2 do Nhà nước quản lý, UBND xã Hòn Thơm ban hành Quyết định (QĐ) số 783/QĐ-XPVPHC ngày 12-12-2019, xử phạt ông Thêm 2 triệu đồng nhưng chưa nộp phạt. Do đó, xã đề nghị huyện áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp này.
Ngày 29-4-2020, UBND huyện Phú Quốc ban hành QĐ số 2299/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thêm số tiền 50 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Làm việc với UBND xã ngày 9-6-2020, ông Thêm nêu lý do chưa nộp phạt và chưa khắc phục hậu quả vì đang khiếu nại QĐ số 2299/QĐ-XPVPHC. Hiện UBND xã đang hoàn tất hồ sơ, đề nghị UBND huyện ra QĐ cưỡng chế, buộc ông Thêm nộp phạt và khắc phục hậu quả, trả lại đất cho Nhà nước.
Đối với bà Huyền, Chủ tịch Vân cho biết, ngày 30-4-2020, bà Huyền tự tháo dỡ căn nhà 63,6m2. Do bà Huyền tự khắc phục, phá dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu nên UBND huyện Phú Quốc không ban hành QĐ xử phạt.
Đối với 3 căn nhà tạm, bà Huyền xin giữ lại để người nhà ở trông coi vườn, làm rẫy. Tại cuộc họp ngày 16-8-2020, đại diện các ngành chức năng của huyện Phú Quốc và xã Hòn Thơm thống nhất không xử lý đối với 3 căn nhà tạm này. UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi kiểm tra, kiên quyết xử lý, nếu còn vi phạm.
Liên quan đến thông tin bà Huyền "chiếm đất rừng phòng hộ, lấn biển", ông Vân khẳng định: Toàn bộ công trình xây dựng của bà Huyền đều nằm trong phần đất mua của cụ Mực. Bà Huyền không chiếm đất rừng phòng hộ và cũng không lấp biển. Việc này cũng được lãnh đạo Vườn Quốc gia Phú Quốc xác định rõ trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch Vân cho biết thêm: Cũng trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia Phú Quốc xác định, cả hai khu đất hơn 23.000m2 của ông Thêm và 17.000m2 của bà Huyền đang sử dụng, không nằm trong ranh giới rừng phòng hộ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Kiên Giang cấp năm 2013 cho rừng phòng hộ Phú Quốc (do Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý).
Theo QĐ số 633/QĐ-TTg ngày 11-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ "phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, đến năm 2030" thì hai khu đất trên được quy hoạch rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang chưa lập quy hoạch đối với cả hai khu đất.