Thị trường quà tặng ngày Lễ tình nhân có sôi động?

Thứ Hai, 14/02/2022 10:24

|

(CATP) Diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, sau 2 năm dịch Covid-19 kéo dài, thị trường quà tặng ngày Lễ tình nhân - Valentine 14-2 liệu có sôi động hay trầm lắng so với những năm trước?

Sau một năm kinh tế chững lại dưới tác động của dịch Covid-19, thu nhập của người dân có xu hướng giảm, kéo theo những thay đổi hành vi tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có mùa Tết, lễ hội lớn trong năm. Theo đó, dù nhu cầu mua sắm vào các dịp lễ Tết không thuyên giảm song người mua có xu hướng ưu tiên ngân sách cho các sản phẩm thiết yếu hơn, cũng như tận dụng ưu đãi để đảm bảo cuộc sống đầy đủ mà vẫn tiết kiệm chi phí hết sức có thể.

Theo các chuyên gia bán lẻ, thị trường quà Tết Nhâm Dần 2022 được ghi nhận là kém sôi động hơn so với các năm trước, cũng như có sự thay đổi trong việc giảm tiêu thụ phân khúc cao cấp và ưa chuộng phân khúc trung bình hơn. Điều này phản ánh đúng tâm lý thắt chặt chi tiêu, chống lãng phí, chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu cần thiết cho cuộc sống cá nhân và gia đình của nhiều người sau tác động của đại dịch.

Năm 2022 cũng ghi nhận sự kiện giá vàng giảm sâu sát mùng 10 tháng Giêng, tức ngày vía Thần Tài theo quan niệm của người Việt. Điều này đi ngược lại so với xu hướng giá vàng tăng "kịch trần" của những năm trước. Các chuyên gia nhận định, việc giá vàng giảm bất thường ngay trước ngày vía Thần Tài phần nào phản ánh nhu cầu mua của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh vàng tại TPHCM vào giữa mùng 10 tháng Giêng cho thấy, lượng người mua tuy đông nhưng chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước.

Một sạp hoa tươi chờ phục vụ khách

Vài ngày qua, xăng tăng giá và khan hiếm cục bộ cũng kéo theo nhiều mặt hàng khác bị đẩy giá theo chi phí vận chuyển. Mặc dù TPHCM và nhiều tỉnh thành đã bước vào giai đoạn "bình thường mới" nhưng nhiều ngành nghề, lĩnh vực đều vừa khởi động lại, chưa thể phục hồi như xưa. Mặt khác, biến thể mới của dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa sự bình yên chung của thế giới nên người dân vẫn có tâm lý e ngại, phòng xa trước những bất trắc bệnh tật hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng và khan hiếm hàng hóa. Điều này cũng tác động không nhỏ đến tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Không nằm ngoài xu hướng chung, thị trường mua sắm quà tặng ngày Lễ tình nhân 14-2 năm nay được dự đoán sẽ kém sôi động so với các năm trước dịch Covid-19. Nhận định này là có cơ sở, dựa trên tình hình thị trường Valentine trầm lắng vào năm 2021, ở thời điểm đại dịch còn chưa diễn biến phức tạp. Dù vẫn phục vụ nhu cầu không thể thiếu của người dân, song các mặt hàng thiết thực và có giá trị bền vững sẽ được ưa chuộng hơn những sản phẩm có tính xa hoa, nhất thời. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm quà tặng trực tuyến và vận chuyển thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh sẽ tăng nhằm bảo đảm an toàn trong thời kỳ "bình thường mới".

Dựa trên kinh nghiệm phục vụ nhu cầu thị trường qua các năm cũng như nắm vững xu hướng thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express - chia sẻ, dự đoán thị trường mua sắm các mặt hàng kém thiết yếu như quà tặng, vật phẩm cầu may trong mùa lễ hội 2022, đặc biệt là dịp Lễ tình nhân 14-2, nhiều khả năng sẽ giảm.

Anh Trần Thanh Tông - chủ tiệm kinh doanh hoa tươi Hồng Nga - cho biết: "Việc kinh doanh có đạt hiệu quả hay không đòi hỏi mình phải biết nắm bắt xu hướng cũng như tâm lý người tiêu dùng. Năm nay, kinh tế chưa thể phục hồi sau dịch bệnh nên nhiều khách hàng vẫn "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, do đó tôi cũng không dám lấy nhiều hàng hay tuyển chọn những mẫu mã độc lạ hoặc hoa ngoại đắt tiền. Cơ bản vẫn ưu tiên các lẵng hoa nhỏ xinh, vừa túi tiền của phần đông khách hàng, nhưng đến ngày 13-2 mà vẫn chưa có nhiều đơn hàng đặt trước như nhiều năm trước".

Bình luận (0)

Lên đầu trang