Cho rằng con em mình bị nhà trường kỷ luật không xác đáng, phụ huynh của ba em học sinh học tại trường THCS Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, Thái Bình đã viết đơn cầu cứu lên Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo xem xét vụ việc.
Ba phụ huynh viết đơn là ông Trần Giang Nam – phụ huynh em Trần Quang Minh (học sinh lớp 9D), ông Trần Văn Tuyền – phụ huynh em Trần Văn Thanh (học sinh lớp 9A) và ông Trần Ngọc Uyên – phụ huynh em Trần Ngọc Hiệu (học sinh lớp 9B, tất cả các em đều học tại trường THCS Vũ Tiến) viết và ký tên vào ngày 21-4-2016, tức một ngày sau khi các em nhận mức kỷ luật buộc thôi học 6 tháng kể từ ngày 20-4-2016 đến hết ngày 19-10-2016.
Học sinh và phụ huynh trao đổi với Phóng viên
Trong đơn nêu cả ba học sinh trên đều vi phạm nội quy vì đái bậy trên tầng 3 của trường do trời mưa. Ngay sau khi bị phát hiện vi phạm, cả ba em học sinh gồm: Minh, Thanh và Hiệu đều phải nhận mức phạt của ông Phạm Xuân Định – Hiệu trưởng trường THCS Vũ Tiến với hình thức phải xách nước từ ao lên tầng 3 dội rửa chỗ ba học sinh đái bậy trong thời gian hơn một tháng.
Hình phạt này được áp dụng thực hiện từ giờ truy bài đến tiết học thứ hai của buổi học. Sau khi các học sinh dội rửa xong, phải lấy giẻ thấm và lau khô hết nước vắt cho vào xô rồi mang xuống cho thầy Hiệu trưởng nhìn rồi mới được đổ đi. “Ngày nào thầy Định cũng lên loa kêu gọi chúng em đi rửa nước giải, sau đó thầy kỷ luật và đình chỉ cháu một tuần”, nội dung đơn viết.
Ngoài ra, đơn thư nêu đến khoản thu không hợp lý, rõ ràng mà nhà trường đã đề ra khiến học sinh và phụ huynh bức xúc. Cụ thể, vào ngày 3-8-2015, nhà trường triệu tập toàn bộ học sinh trong trường đến lao động và nhận lớp trong vòng 4 buổi rồi thu 40.000 đồng/học sinh (toàn khối 9 có 530 học sinh).
Đơn kêu cứu của phụ huynh ba em học sinh bị đuổi học 6 tháng do đái bậy trong lớp
Ông Trần Văn Tuyền – phụ huynh em Trần Văn Thanh (học sinh lớp 9A) buồn bã nói: “Việc các học sinh đái bậy trong lớp là hành vi không chấp nhận được, chúng tôi có con em như vậy cũng xấu hổ lắm chứ. Nhưng không phải vì các cháu vi phạm mà nhà trường lại xử lý cứng nhắc đến như vậy.
Hơn một tháng trời bắt các cháu xách nước từ dưới ao lên tầng ba dội rửa, lại còn thông báo lên loa không khác nào hành các cháu ra bã. Có rất nhiều hình thức kỷ luật, nhưng tôi thấy việc kỷ luật như vậy rất phản giáo dục, không thể chấp nhận được, mặc dù con tôi sai”.
Ông Trần Ngọc Uyên – bố cháu Hiệu giọng bực bội: “Ngày 20-4-2016, nhà trường mời chúng tôi đến thông báo kỷ luật các học sinh, nhưng đến ngày 21-4 khi chưa có quyết định, nhà trường đã thực hiện kỷ luật buộc thôi học các cháu trong vòng 6 tháng.
Quyết định kỷ luật
Sáng ngày 21-4, các cháu vẫn đến lớp học bình thường, đang học tiết 1 thì bị thầy Nguyễn Văn Vui gọi các em ra cổng trường và thầy Hiệu trưởng đã ra lệnh cho đóng cổng không cho các cháu học. Sau đó, ông Nam bố cháu Minh bị đuổi học vào trường hỏi quyết định đâu thì thầy Hiệu trưởng mới tập trung học sinh, giáo viên ra sân trường đọc quyết định kỷ luật”.
Ba phụ huynh trên đã đặt câu hỏi tới vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo với nội dung: “Tôi xin hỏi ông Bộ trưởng là sự việc các cháu vi phạm diễn ra từ tháng 10-2015 nhưng đến tháng 4-2016 nhà trường mới đình chỉ học các cháu 6 tháng. Trong khi thời gian thi Tốt nghiệp cấp hai chỉ còn 3 tuần nữa là diễn ra, Hiệu trưởng xử lý như thế đã đúng chưa? Chúng tôi rất bức xúc, vì thế chúng tôi viết đơn này cầu cứu đến ông Bộ trưởng và các cơ quan, ban ngành để con em chúng tôi có cơ hội được tiếp tục học tập và tu dưỡng để trở thành người có ích cho xã hội”.
Ông Trần Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến xác nhận có vụ việc 3 học sinh nói trên bị kỷ luật buộc thôi học 6 tháng.
“Trước khi thực hiện kỷ luật, Ban giám hiệu nhà trường không báo cáo cho UBND xã biết. Sau khi kỷ luật, nhà trường mới có văn bản báo cáo xã. Sáng ngày 21-4, nhà trường mời các cháu đến phòng Hội đồng để đọc quyết định thì các cháu có phản ứng nên nhà trường đã mời đồng chí Công an xã vào để đảm bảo an ninh, trật tự chứ không có chuyện Công an xã đến để đe dọa, bắt các cháu”, ông Tuấn cho hay.
Luật sư Trần Thu Nam – Trưởng văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng Sự cho biết, theo thông tư 08 của Bộ Giáo Dục, việc tiến hành họp xét kỷ luật của trường phải kết hợp với gia đình.
Luật sư Nam phân tích vụ việc
Học sinh chỉ vì muốn hỏi hiệu trưởng và rải tờ rơi để nói lên suy nghĩ của mình và nói lên sai trái của nhà trường mà đình chỉ các em 6 tháng là trái qui trình. Việc thôi học 6 tháng kéo dài cho đến tháng 10 năm sau dẫn tới mất học 2 năm liền không những vi phạm quyền trẻ em mà còn gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thông tư 08 nói rằng là việc khen thưởng hay kỷ luật đều nhằm mục đích giáo dục chứ không phải nhằm mục đích trừng phạt ở đây chúng ta thấy rằng các quyết định đình chỉ này gần như là quyết định trừng phạt các em.
Liên quan đến vấn đề bắt học sinh đi rửa nước tiểu, luật sư Nam khẳng định học sinh có lỗi, nhưng cái lỗi đó không đến mức bắt các học sinh này không được học trong hai tiết chỉ để múc nước lên tầng 3 rửa vị trí tiểu bậy, sau đó lấy giẻ thấm vắt vào xô cho hiệu trưởng nhìn thấy mới đổ đi.
Đây là hành vi hành hạ người khác, các em có lỗi phải thông báo toàn trường, thông báo cho gia đình. Các giáo viên và học sinh khác đều biết. Hành vi thấm nước tiểu vi phạm vào quyền của trẻ em được học tập, danh dự nhân phẩm của các em. Nếu đúng thì phải khởi tố vụ án cho người ra quyết định xử phạt này.