BHXH giúp giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực miền núi

Thứ Hai, 14/09/2020 11:05  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Đó là nhận định của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" được tổ chức ngày 13-9, tại Sơn La.

Đây là hội thảo cấp quốc gia do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Dân tộc; Tỉnh ủy Sơn La tổ chức.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì Hôi thảo. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham dự hội thảo cùng lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã 15 tỉnh phía Bắc; đại diện các hộ gia đình dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tại Sơn La…

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh gia cao vai trò của BHXH Việt Nam đối với việc phát triển nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội thảo có 4 phiên chính thức với các nội dung chính: Tổng quan về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hợp tác xã với việc xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, thời gian vừa qua, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao tặng số tiền hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã của tỉnh Sơn La tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù Nhà nước ta đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng nhưng so với mức phát triển chung của nguồn nhân lực toàn quốc thì vẫn còn có sự cách biệt lớn. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa thực sự gắn kết với đặc điểm vùng, miền và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng địa phương, từng vùng dân tộc. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ quản lý hợp tác xã, quản lý ngành dịch vụ, quản lý ngành nông, lâm nghiệp, quản lý thủy nông, rồi cán bộ làm tiếp thị, công thương... ở cơ sở cần phải gắn chặt hơn nữa và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ khác nhau ở các vùng, các dân tộc khác nhau mà chúng ta rất cần bàn thảo, có suy nghĩ thống nhất, có chủ trương, việc làm thống nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong rằng, sau Hội thảo này, mỗi đại biểu sẽ thấy được cá nhân mình, cơ quan mình, địa phương mình cần phải làm gì, hướng tới mục tiêu cụ thể như thế nào, từ đó triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra. "Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương có thể chọn lọc những vấn đề thiết thực, đưa ngay vào Nghị quyết Đại hội Đảng của cơ quan, địa phương mình, có hướng triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tiếp theo”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã trao tặng 250 triệu đồng hỗ trợ 150 người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia BHXH tự nguyện trong 1 năm.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Chính sách BHXH có ý nghĩa to lớn với việc giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, việc tham gia BHXH tự nguyện với người dân nghèo, lao động phi chính thức không chỉ giúp họ được bảo vệ trước mắt mà còn được chăm lo lâu dài, yên tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

“Vì vậy tham dự hội thảo này, tôi và đồng chí Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã bàn và lựa chọn hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện cho những người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Sơn La từ nguồn đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức; nhất là của công chức, viên chức, người lao động cơ quan BHXH Việt Nam. Chúng tôi coi đây là sự đóng góp của Ngành BHXH cho chương trình xóa đói giảm nghèo; đồng thời thể hiện sự quan tâm đến cán bộ cơ sở, người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ 1 năm tham gia BHXH tự nguyện với số tiền tuy nhỏ nhưng chúng tôi mong muốn sẽ tạo tiền đề, động lực để những cán bộ cơ sở nhận thức được rõ hơn lợi ích, giá trị của chính sách BHXH và tiếp tục tham gia trong những năm sau” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, việc đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lựa chọn tặng, hỗ trợ 150 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia BHXH tự nguyện là một hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực, đầy tính nhân văn; đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá, quan tâm đặc biệt đến chính sách BHXH.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng mong muốn, những người được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, thời gian tới đây sẽ có sự hợp tác tích cực với chính quyền, đoàn thể, cơ quan BHXH, trở thành những tuyên truyền viên trong cộng đồng lan tỏa về lợi ích của chính sách BHXH, BHYT; để ngày càng có nhiều người dân, người lao động được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta./.

Bình luận (0)

Lên đầu trang