Các đại biểu ủng hộ Đề án chính quyền đô thị và thành lập TP.Thủ Đức tại TPHCM

Thứ Sáu, 11/09/2020 20:43

|

(CAO) Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

Hội nghị do đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về sắp xếp mô hình, tổ chức của Thành phố Thủ Đức; Sắp xếp các đơn vị hành chính trước khi có đề án thành lập Thành phố Thủ Đức; Phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đơn vị sự nghiệp công; Các chế độ chính sách khi thực hiện Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị…

Hội nghị đóng góp ý kiến vào hai Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM

Đóng góp quan điểm về Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM), ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, đây là đề án cần thiết, đặc biệt ông đánh giá cao việc xác định 8 trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sau khi Thành phố Thủ Đức được thành lập, gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm và các Đại học lân cận,…); Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và Cảng quốc tế Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

Ông Phạm Trí Thức cho rằng, việc nhập 3 quận để lên thành phố, về cơ bản là một loại đô thị hành chính mới khác với quận, mặc dù tương đương với đơn vị hành chính cấp quận, huyện, nhưng trong quá trình phát triển nên xem xét tới các yếu tố phù hợp về quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đồng thời phải đánh giá, phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập thành phố. Vấn đề này, ông đề nghị UBND TPHCM tham khảo thêm ý kiến từ Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước khi thành lập Thành phố Thủ Đức phải tiến hành phân loại đô thị, có quy hoạch. Bên cạnh đó, ông Văn cũng gợi ý việc thành lập Thành phố Thủ Đức có thể vận dụng theo cơ chế của Nghị quyết số 653 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ông Văn khẳng định, nếu theo hướng của Nghị quyết số 653 tiến độ thành lập sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc phải chuẩn bị kế hoạch, làm đề án quy hoạch… Nhưng, trên quan điểm chung, ông Văn mong muốn TPHCM vẫn phải làm đồng thời vừa quy hoạch vừa vận dụng cơ chế.

Đóng góp ý kiến vào đề án, ông Nguyễn Minh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng khẳng định, việc xác định Thành phố Thủ Đức là “hạt nhân”, là khu vực sáng tạo, đổi mới; quy mô chỉ sau Hà Nội, lớn hơn Bình Dương và Đồng Nai là một vấn đề lớn, không đơn thuần là hình ảnh của việc sáp nhập 3 quận lại. Do vậy, ông Dương cũng đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc làm song song giữa quy hoạch và vận dụng Nghị quyết 653.

Cho ý kiến về Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM, ông Phạm Trí Thức khẳng định, khi thực hiện đề án này TPHCM sẽ có nhiều thuận lợi, bởi trước đó Quốc hội đã có hai Nghị quyết cho thí điểm ở TP Hà Nội và Đà Nẵng; bên cạnh đó TPHCM cũng đã có kinh nghiệm với 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng từ năm 2009-2016. Qua đây, ông Thức khẳng định, đề án trên của TPHCM có đủ tính pháp lý, cũng rất phù hợp với Hiến pháp (tại Điều 111), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định, TPHCM là đơn vị hành chính, một thành phố đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng, là đầu tàu kinh tế cả nước. Thời gian qua, nhiều mô hình, cơ chế chính sách trong quá trình đổi mới đất nước đều xuất phát từ TPHCM.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tin rằng, việc có những cơ chế đặc thù, những chính sách đặc thù cho TPHCM để thúc đẩy phát triển kinh tế cho Thành phố nói riêng và cả nước nói chung là rất cần thiết. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo TPHCM cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện để đảm bảo tiến độ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

Bày tỏ sự cảm ơn Bộ Nội vụ và các đại biểu tham gia hội nghị đã đóng góp những ý kiến sâu sắc vào hai đề án của Thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu, đồng thời chỉnh sửa, hoàn thiện đề án để kịp tiến độ trình các cơ quan có thẩm quyền. Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thêm, với hai đề án trên, TPHCM đã ấp ủ rất lâu và trong nhận thức của Thành phố bao giờ cũng nghĩ phải thực hiện theo Nghị quyết 653.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện đề án thực tế đã chứng minh, nếu được sự hỗ trợ thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương thì TPHCM sẽ thực hiện tốt các đề án và đảm bảo được tiến độ đề ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang