Cử tri không thích nơi mình ở có người nghiện ma tuý

Thứ Sáu, 11/09/2020 18:08

|

(CAO) Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phản ánh tâm trạng này của cử tri sau những lần ông đi tiếp xúc và yêu cầu cần có chế tài mạnh hơn để kiểm soát những người sử dụng trái phép chất ma tuý.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) chiều nay (11/9), Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, thực tiễn triển khai Luật Phòng, chống ma tuý đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Thứ trưởng Lê Quý Vương trình dự luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi)

Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra hiện tại chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPCMT). Tình hình SDTPCMT có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi này không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

“Hành vi SDTPCMT theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ là chưa đủ sức răn đe” - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định.

Từ bất cập trên, dự luật sửa đổi lần này xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" gồm 5 Điều. Theo đó, việc quản lý người SDTPCMT được áp dụng ngay lần đầu người đó SDTPCMT với mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy.

Thống nhất với cơ quan soạn thảo, Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, người SDTPCMT và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, theo cơ quan thẩm tra, quan điểm đối xử với họ cũng cần theo hướng duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc SDTPCMT; có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người SDTPCMT…

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo thẩm tra

"Gia đình có người nghiện thì tan cửa nát nhà"

Nhận định đây là dự Luật rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng ma túy ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, dù đã có nhiều giải pháp nhưng công tác ngăn chặn, phòng ngừa chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nêu thực trạng nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lên đến hàng tạ, hàng tấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, quy định xử lý hình sự cũng cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình đấu tranh với tội phạm ma túy.

“Các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần có sự tham gia trực diện hơn trong đấu tranh với tội phạm ma túy, thay vì chỉ phối hợp với lực lượng công an như hiện nay” - ông Lưu nêu quan điểm.

Yêu cầu đánh giá lại thực trạng số người nghiện và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Một Bí thư huyện nói với tôi thực tế số liệu còn gấp 4 lần số báo cáo. Số liệu nhiều hơn báo cáo bởi số người nghiện tăng quá nhanh, tháng này khác, tháng sau lại khác nên không cập nhật được hết”.

Từ đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị cần đánh giá sâu hơn về việc đưa người nghiện về cộng đồng, về gia đình cai nghiện có tốt hơn không, có ảnh hưởng tới hàng xóm hay không.

“Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy số đông cử tri không thích vì thường nơi nào có người nghiện thì nơi đó có lo lắng về vấn đề an ninh trật tự” - ông Giàu chỉ ra và đề nghị cần có cơ chế mạnh hơn để kiểm soát tình trạng này.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Chung góc nhìn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, xã nào, phường nào, gia đình nào có người người nghiện là điều khủng hoảng, tác động đến cuộc sống nghiêm trọng.

“Gia đình có người nghiện thì tan cửa nát nhà, tương lai người nghiện rất vô vọng, bởi cai nghiện vô cùng phức tạp” - ông Hiển lo ngại.

Cũng theo ông Hiển, thực tế số người nghiện cai được rất ít, hầu hết không thành công. “Khi “ăn” đủ thuốc thì bình thường, nhưng thiếu thuốc hay quá độ lại chuyển sang thành tội phạm” - ông Hiển phàn nàn và băn khoăn không biết nên đặt họ vào vị trí nào.

“Nếu là người bệnh thì phải có nguyên nhân của bệnh. Bảo là tội phạm thì cũng khó” – ông Hiển nhìn nhận. Dù vâỵ, ông vẫn đồng tình cần phải cương quyết, mạnh tay hơn với những trường hợp này.

“Đừng quá coi như một thứ bệnh, đây là bệnh xã hội, bệnh này vi phạm pháp luật nên cần có cách đối xử phân biệt, không coi như người bệnh bình thường được” – ông Hiển nhấn mạnh.

Từ nhìn nhận này, ông Hiển đồng tình với việc cưỡng chế cai nghiện theo giai đoạn. Bước đầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trại cơ sở cai nghiện công lập, tư nhân. Giai đoạn 2 là cưỡng chế và giai đoạn 3, theo ông Hiển, có khi phải bỏ tù, cách ly ra khỏi xã hội để không gây mất an toàn cho xã hội.

“Nhân đạo phải có tầng nấc chứ không phải nhân đạo mãi mãi” - ông Hiển lưu ý.

Đánh giá ma tuý nghiện thì nhanh nhưng cai nghiện rất khó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kể: “Giai đoạn tôi làm Bí thư TP.Thái Bình có đưa một cậu đã cai nghiện thành công làm điển hình. Cậu ta lấy dao chặt ngón tay để cam kết không nghiện nữa thế nhưng cuối cùng vẫn nghiện trở lại. Nói vậy để thấy cai nghiện là rất khó, không phải dễ”.

Thực tế này, theo ông Phúc, cho thấy muốn trị ma tuý phải trị từ gốc. “Phải tuyên truyền, phòng ngừa từ xa chứ “đã nghiện thì vào trại nào cũng không giải quyết được vấn đề” – ông Phúc nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang