(CAO) Những năm qua, tại khu vực biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trung bình sạt lở từ 10-15 mét. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có biện pháp để phòng chống tình trạng sạt lở này.
Tổng chiều dài của bờ biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã Tam Hải là 2 km, nhưng đã có 1 km bị sóng biển đánh sạt lở nặng và trung bình mỗi năm Cửa Lở bị sạt lở từ 10- 15 mét.
Anh Trần Văn Nam đang chỉ tay vào nhiều đoạt bờ biển Cửa Lở bị sạt lở nặng
Hiện nay, tại thôn Bình Trung, xã Tam Hải thì đến mùa mưa bão tình trạng này thường xuyên xảy ra ở khu vực Cửa Lở đe dọa đến khoảng 10 hộ dân ở thôn nói trên.
Trong đó, từ năm 2013-2014, mức độ sạt lở nhiều hơn từ 30- 40 mét ăn sâu vào trong đất liền, làm cho nhiều diện tích nuôi tôm, trồng cây cối bị mất dần. Ngoài ra, còn đe dọa tính mạng các người dân thôn Bình Trung.
Anh Văn Nam đang chỉ về hướng mà Cửa Lở bị sạt lở sâu vào đất liền
Qua trò chuyện với, anh Trần Văn Nam (34 tuổi), trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải nói: “Vài năm trước nhà tôi cách bờ biển 100 mét nhưng giờ biển tiến gần chỉ còn khoảng 15 mét, các hộ dân ở gần nhà tôi do có điều kiện kinh tế đã di dời qua khu định cư mới, và có dự án kè chống lở của Hà Lan. Nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động rồi cũng bị sóng đánh lở và tiến sâu vào bờ hơn”.
Anh Nam nói thêm, chính quyền địa phương có tổ chức họp các hộ dân ở gần các địa điểm sạt lở nói trên và đã đưa phương án di dời qua khu tái định cư mới và hỗ trợ mỗi hộ dân tiền nhưng do khi qua bến khu Tái định cư (TĐC) giá đất cao hơn, nên vượt nhiều khả năng mua đất của nhiều hộ dân nơi đây.
Một đoạn sạt lở ở Cửa Lở, xã Tam Hải
Còn bà Nguyễn Thị Mận (69 tuổi), trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải cho biết: “Tình trạng sạt lở biển Cửa Lở diễn ra nhiều năm rồi, cứ đến mùa mưa bão, sóng biển lớn đánh mạnh vào bên trong bờ gây ra sạt lở hàng trăm mét bờ biển làm cho nhiều diện tích nuôi tôm, chăn thả vật nuôi bị thu hẹp”.
Qua quan sát, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm mét bờ biển Cửa Lở bị sạt lở nặng, nhiều ngôi nhà của người dân bị sạt lở đã di dười đến nơi ở mới và diện tích nuôi tôm, chăn thả vật nuôi của người dân ngày còn có nguy cơ không còn. Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra thì trong vài năm tới thôn Bình Trung sẽ bị xóa sổ.
Nhiều ngôi nhà bị sạt lở nặng nên người dân bỏ hoang
Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã di dời dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, chính quyền đã tổ chức di dời các hộ dân đến khu tái định cư ở thôn Thuận An cũng trên địa bàn xã và hỗ trợ mỗi hộ dân di dời từ 10- 20 triệu đồng/hộ. Chỉ còn lại hơn 10 hộ dân chưa di dời được là do điều kiện kinh tế khó khăn, người già, nên không đủ kinh phí để mua đất ở khu nói trên.
“Một phần là do ngân sách chính quyền xã cũng hạn hẹp không thể hỗ trợ nhiều hơn, rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ thêm. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã có lên phương án hút cát ở dưới khu vực biển để thay đổi dòng chảy” - ông Hùng nói.