(CAO) Trong báo cáo nhanh về công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đợt 1 năm 2015, Bộ GD-ĐT đã nêu lên những hạn chế và nguyên nhân để tìm hướng điều chỉnh và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi năm sau.
Theo đó, những hạn chế mà Bộ GD-ĐT chỉ ra là một bộ phận phụ huynh, thí sinh căng thẳng, lo lắng trong việc cập nhật thông tin và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đồng thời, việc một số gia đình thí sinh đi lại để nộp hồ sơ xét tuyển đã gây nên tốn kém và nhiều bức xúc.
Bộ GD-ĐT cũng nêu ra nguyên nhân chính là việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng liên tục; Thời gian đăng ký kéo dài 20 ngày; Thí sinh có 4 nguyện vọng để đăng ký xét tuyển trong một trường.
Từ đó, Bộ rút ra kinh nghiệm để có những điều chỉnh một cách tổng thể, chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ tuyển sinh trong những năm tiếp theo.
Số liệu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thống kê đến hết ngày 23-8-2015 có 490.758 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có 105 trường ĐH và 20 trường cao đẳng có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, qua số liệu cho thấy dự kiến có hàng trăm trường ĐH, CĐ với hơn 350 nghìn chỉ tiêu sẽ được xét tuyển ngay từ nguyện vọng 1. So với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1.
Một số trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh ĐKXT cao như: Trường ĐH Võ Trường Toản (77%), Trường ĐH Buôn Ma Thuột (96%), Trường ĐH Hoa sen (91%), Trường ĐH Văn Lang (89%), Trường ĐH Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (63,2%), Trường ĐH Thăng Long (60%)…
Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 44.224 (chiếm 9% tổng số thí sinh ĐKXT đợt 1), trong số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng ĐKXT tại sở GD-ĐT là 11.081, tại các trường ĐH, CĐ là 33,143. Việc thay đổi nguyện vọng ĐKXT chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh ĐKXT vượt nhiều so với chỉ tiêu.
|
Những điểm được và chưa được trong kỳ tuyển sinh 2015
Thứ nhất, về những điểm “được” từ kỳ tuyển sinh:
Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã giảm bớt tốn kém xã hội khi tích hợp trong một kỳ thi. Việc đánh giá công tác dạy và học được khách quan hơn khi giao cho các trường ĐH chủ trì công tác tổ chức thi; Tăng cơ hội cho thí sinh có điểm thi cao; Xây dựng được hệ thống dữ liệu chung trong công tác tuyển sinh, và đây cũng là điều mà xã hội ta đang hướng đến – dữ liệu quản lý chung của xã hội; Tăng cường tính chủ động của thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành.
Thứ hai về những điểm “chưa được”:
Với mục tiêu một kỳ thi cho 2 mục tiêu nhưng đề thi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu tuyển chọn, thí sinh giỏi và thí sinh khá nhưng học nhiều vẫn chưa phân biệt rõ ràng. Sự mất công bằng thông tin và điều kiện tra cứu thông tin giữa các thí sinh tỉnh và thí sinh thành phố, nơi tập trung các trường đại học lớn, làm cho các thí sinh ở tỉnh chịu nhiều thiết thòi hơn. Quan điểm điểm cao sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học làm cho việc phân luồng nghề nghiệp gặp khó khăn khi xã hội vẫn còn nặng về bằng cấp, thí sinh điểm cao sẽ không chọn con đường học nghề để tạo ra người có tay nghề giỏi mà cứ chăm chăm vào đại học.
Việc chọn 4 ngành trong NV1 cũng làm công tác phân luồng nghề nghiệp gặp khó khăn, thí sinh bị áp lực học đại học từ xã hội và gia đình nên sẽ phải chọn những ngành nghề mà mình không yêu thích chỉ chỉ để học đại học.
(Theo ông Phạm Thái Sơn - PGĐ TT tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM)
|