(CAO) Trả lời chất vấn trong phiên họp sáng nay, 5-6, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập đến câu chuyện "lạ" của ngành giáo dục.
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho rằng cô giáo là tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo nhưng lại xuất hiện một số sự việc đau lòng như cô giáo phạt trẻ uống nước giẻ lau bảng, ngậm dép… "Phải chăng cô giáo có nhiều áp lực?" - đại biểu Tuấn thắc mắc và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6-6
Trả lời đại biêu, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ: Bên cạnh nhiều thầy cô đam mê vẫn còn một số thầy cô đã có những hành vi, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo. "Tôi thấy đây là thiếu sót lớn" - ông Nhạ trăn trở và cho rằng nguyên nhân có nhiều nhưng có trách nhiệm của ngành là khâu đào tạo bồi dưỡng, kiểm soát chưa thường xuyên dẫn đến một số thầy cô không có năng lực, kém phẩm chất.
"Trong thực tế, chắc chắn còn nhiều nhưng với hành vi lên án, hành hạ trẻ, đây là cảnh tỉnh lớn đối với ngành, hiệu trưởng các trường" - Bộ trưởng Nhạ nói.
Cũng theo ông Nhạ, để cô giáo cả học kỳ “không nói gì” khi đứng lớp là do có những áp lực, cả vật chất, tinh thần và khẳng định: "Tôi luôn động viên các thầy cô giáo phát huy những cái tốt. Tới đây, chúng tôi sẽ có chương trình đào tạo giáo viên, giáo dục đạo đức trong giáo viên và học sinh, khi thi THPT quốc gia chúng tôi đề nghị đưa môn này vào. Trong chương trình GDPT mới chúng tôi nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. Tôi cũng nhận trách nhiệm của ngành trong phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng" - ông Nhạ cho biết.
Làm rõ hơn câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, vấn đề xuống cấp đạo đức khá cá biệt. Đại biểu muốn nói trách nhiệm của những người đứng đầu của các cơ sở giáo dục mầm non có biết hay không. Cho đến khi báo chí vào cuộc mới bắt đầu làm rõ.
Theo bà Ngân, đại biểu mong muốn cả hệ thống chính trị xã hội, các ngành các cấp phải vào cuộc, không chỉ riêng ngành giáo dục. trường mầm non, tiểu học, THCS có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không, giáo viên có biết hay không, chính quyền địa phương có biết hay không. Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý.
Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng bộ GD-ĐT.