Tăng tranh luận
Đây được coi là điểm mới của phiên chất vấn kỳ họp này và từng được thí điểm tại phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cách thức “hỏi nhanh đáp gọn” giúp tăng cường đối thoại, tránh được tình trạng trùng lắp khi đặt câu hỏi.
Và quan trọng, sẽ có nhiều đại biểu được tham gia chất vấn hơn, thay vì nhận trả lời bằng văn bản. Như thế, tính chất giám sát trực tiếp của phiên chất vấn mới mang nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, cũng có thắc mắc cử tri sẽ nhận được gì trong 1 phút và 3 phút đó khi mà nhiều vấn đề quan trọng khó có thể được đặt ra và giải đáp thoả mãn trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Nhất là khi mà tâm tư, nguyện vọng của cử tri là vô cùng lớn, thời gian chuyển tải lại quá eo hẹp.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn đầu tiên
Đánh giá việc khống chế thời gian hỏi và trả lời sẽ giúp phần giải đáp của các Bộ trưởng, trưởng ngành đi vào trọng tâm hơn, nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng vẫn có những hạn chế nhất định, bởi có những vấn đề không thể giãi bày chỉ trong 3 phút.
Với đại biểu, có những câu hỏi chỉ cần 1 phút thôi nhưng cũng có câu hỏi cần hơn 1 phút. Đại biểu muốn giải thích vì sao lại hỏi câu này và hướng vấn đề vào chỗ người trả lời cần biết, như thế 1 phút là không đủ. Nguy cơ “xin phép trả lời bằng văn bản” sẽ vẫn lặp lại.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Kim Thuý (Đà Nẵng) nhận định, thời lượng 1 phút đủ để đại biểu hỏi thẳng vấn đề mà không dẫn giải nhiều. Điều đó đòi hỏi đại biểu phải suy nghĩ, chọn lựa câu hỏi ngắn gọn và đúng trọng tâm hơn.
Bà Thuý phân tích, trước đây, việc hỏi trong 2 phút khiến đại biểu diễn giải dài dòng, người trả lời cũng khó nắm bắt để trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, sẽ không hiệu quả và không tạo điều kiện cho các đại biểu tiếp theo.
Tương tự, với 3 phút, Bộ trưởng phải trả lời thẳng vấn đề, không tranh thủ báo cáo thêm thành tích hay những việc đã làm được, việc làm mà theo bà Thuý là “không cần thiết và mất thời gian”.
“Tôi cho rằng việc tranh luận trong phát biểu rất hay, nếu trả lời không chuẩn các đại biểu sẽ tranh luận lại. Đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ giãi bày để đại biểu, cử tri hiểu, thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của ngành”- đại biểu Thúy nêu quan điểm.
Cùng nhìn nhận về tính tích cực trong cách thức chất vấn mới, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng quy định 1 phút – 3 phút sẽ giúp Quốc hội tăng thêm số lượng câu hỏi cũng như tính tranh luận phản biện giữa các đại biểu và Quốc hội, từ đó giúp nâng cao chất lượng câu hỏi được trả lời.
Không thể “né” vấn đề nóng
Chia sẻ với báo chí trước phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc lựa chọn các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn là một quy trình chính xác và khoa học, được thực hiện dựa trên Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, của ĐBQH và đặc biệt là có hướng dẫn về lựa chọn này. Trong hướng dẫn nêu rõ, việc lựa chọn phải dựa trên các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri.
Ngoài ra, từ các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất, xin ý kiến Quốc hội về các vấn đề chất vấn.
Như vậy, theo bà Hải, “không hề có sự né tránh với các vấn đề nóng. Những vấn đề mà người dân đang quan tâm sẽ được ưu tiên xem xét”.
Cũng theo bà Hải, qua các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, cử tri đã có những đánh giá trực tiếp về các Bộ trưởng, trưởng ngành. “Cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ trưởng trong thời gian qua đã cố gắng trả lời và sau khi trả lời đã cố gắng giải quyết, tổ chức thực hiện những điều mà mình đã trả lời đó” - bà Hải cho biết.
Nữ trưởng ban Dân nguyện chia sẻ, qua hoạt động chất vấn, cử tri mong muốn có một cơ chế xử lý mạnh hơn đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các Bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. “Nghĩa là vấn đề hậu giám sát, từ trước đến nay vẫn được nêu nhiều nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ” – bà Hải làm rõ thêm.
Cùng với đòi hỏi về chơ chế xử lý trách nhiệm, cử tri cũng yêu cầu đại biểu Quốc hội thông qua chất lượng trả lời, trách nhiệm thực hiện các vấn đề chất vấn để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị Bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong kỳ họp thứ 6 tới.
Từ góc độ cá nhân, bà Hải đánh giá, việc trả lời kiến nghị cử tri đã có một sự chuyển biến rất tích cực, mà cụ thể là đã được các Bộ trưởng tiếp thu và đưa ra lộ trình thực hiện. Điều này, theo vị trưởng ban Dân nguyện, đã khiến cử tri yên tâm hơn cũng như cho thấy sự quan tâm của các Bộ, ngành với vấn đề cử tri đặt ra.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang):
Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về tình trạng sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ra trường không có việc làm ngày càng tăng. Ngoài ra, tôi cũng muốn Bộ trưởng Bộ TNMT có giải trình trước Quốc hội về vấn đề quản lý đất đai của DNNN trước khi cổ phần hóa. Bộ sẽ có cách tháo gỡ, giải pháp như thế nào để sớm khắc phục và tránh lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn):
Tôi quan tâm đến vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như của địa phương, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình liên quan đến vùng đồng bào miền núi dân tộc. Vừa qua đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhưng trên thực tế việc phân bổ ngân sách cho thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế, gây trở ngại trong quá trình thực hiện mục tiêu hiệu quả đối với việc thực hiện chính sách dân tộc.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá):
Tôi sẽ hỏi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về cơ cấu lao động. Cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay đang rất khập khễnh, rất bất lợi và không phục vụ được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An):
Tôi quan tâm nhiều nhất và dự kiến sẽ chất vấn với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà về những tồn tại trong lĩnh vực đất đai. Theo tôi, đất đai là một tài sản rất vô giá của nhà nước nhưng hiện tại đang có tình trạng thất thoát khá lớn do khâu quản lý còn nhiều hạn chế. Tôi mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ đưa ra được các giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ hơn.
Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ bắt đầu từ hôm nay (4-6) dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cụ thể, trước khi tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau đó tập trung vào công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long cũng được đặt ra.
Tham gia chia sẻ với Bộ trưởng Hà có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ ...
Kế tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Hà là phiên trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Dung là thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời cuối cùng về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Chốt lại phiên chất vấn là phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi làm Phó thủ tướng ông Huệ là "nhân vật chính" của "ghế nóng". Những kỳ trước ông ở vị trí "chia lửa".