Kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri: Nhiều câu trả lời “lạc đề”

Thứ Hai, 04/06/2018 08:15

|

(CAO) Điều này được chỉ rõ trong báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, được Trưởng Ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải đang trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 4-6.

Rõ lộ trình giải quyết kiến nghị

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành đã được 59/59 Đoàn ĐBQH đánh giá cao. Tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

Nhiều bộ, ngành đã được một số Đoàn ĐBQH khen ngợi, đánh giá cao vì đã rất tích cực giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại địa phương, như các bộ: NN&PTNT; Công thương; GTVT; Tài chính; LĐTB&XH; TT&TT.

Một số bộ, ngành có số lượng kiến nghị cử tri nhiều, khối lượng công việc cần xem xét, giải quyết rất lớn nhưng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình nhất trí, điển hình là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (208 kiến nghị), Bộ NN&PTNT(171), Bộ TN&MT (159), Bộ GD&ĐT (148),...

Đặc biệt, Bộ TN&MT, Bộ Y tế, cùng với việc trả lời kiến nghị cử tri còn cung cấp thêm số điện thoại nóng (ngay trong văn bản trả lời cử tri) để kịp thời tiếp nhận, xử lý những vấn đề vướng mắc mà cử tri kiến nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Đáng chú ý, điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kỳ này là có đến 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước). ”Đây là một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động” – bà Hải nêu rõ.

Về giải quyết 570 kiến nghị tồn đọng, báo cáo cho biết, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, giải quyết dứt điểm 143 kiến nghị, còn 249 kiến nghị đang tiếp tục trong quá trình giải quyết, trong đó hầu hết đã nêu rõ lộ trình và thời gian dự kiến hoàn thành. Có những kiến nghị được phản ánh từ kỳ họp thứ 7, 8 của QH khóa XIII đến nay đã được xem xét, giải quyết xong.

Sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri, theo báo cáo, đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh, góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua.

Bộ Nội vụ bị... chê

Ghi nhận những điểm tích cực kể trên, song báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập và dẫn chứng cụ thể một số văn bản trả lời chung chung, diễn giải nhiều, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri, thậm chí “lạc đề”.

“Cử tri hỏi về chế độ cán bộ công tác tại các thôn không đặc biệt khó khăn nhưng nằm trên xã đặc biệt khó khăn, có được hưởng chế độ không? Nhưng Bộ Nội vụ lại trả lời về cán bộ công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách. Trả lời của Bộ là chưa đúng với nội dung câu hỏi. Theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri kiến nghị Bộ cần giải quyết, trả lời cụ thể, rõ ràng, thấu đáo hơn”.

Đặc biệt, việc áp dụng một số văn bản pháp luật vào thực tiễn còn bất cập, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét giải quyết, trả lời cũng chưa thấu đáo.

Hay như cử tri tỉnh Lai Châu phản ánh gặp vướng mắc trong việc công nhận kết quả biểu quyết khi có ý kiến khác nhau của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (chỉ có 2 người là Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Trả lời của Bộ Nội vụ như sau: “Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiến hành tổng hợp tình hình thực hiện, xin tiếp thu chờ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.

UBTVQH bình luận: “Trả lời của Bộ Nội vụ là không sai, tuy nhiên, những vướng mắc mà cử tri nêu là thực tế, rất cụ thể, lại chưa được Bộ nghiên cứu thấu đáo để tìm cách tháo gỡ. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung thì việc công nhận kết quả cần phải được cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã”.

Vẫn là Bộ Nội vụ bị “phê bình” khi cử tri tỉnh Nghệ An và một số tỉnh khác phản ánh, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì các Ban của Hội đồng nhân dân không được sử dụng con dấu, nhưng trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật thì các Ban này cần phải sử dụng con dấu trong một số hoạt động. Bộ Nội vụ trả lời: “Nếu cần phải đóng dấu văn bản thì Ban Hội đồng nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc sử dụng con dấu của Hội đồng nhân dân cấp đó”.

Theo UBTVQH, việc sử dụng con dấu là đặc biệt quan trọng do vậy cần phải quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể tại khoản 6 Điều 6, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu đã quy định: “Cấm mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động”. Và hiện cũng chưa có văn bản nào quy định Hội đồng nhân dân cấp xã được phép cho Ban của Hội đồng nhân dân được sử dụng con dấu của mình.

Vì vậy, trả lời của Bộ Nội vụ về việc sử dụng con dấu trong trường hợp “nếu cần” mà không nêu rõ cụ thể “nếu cần” bao gồm những trường hợp nào sẽ có khả năng dẫn tới việc sử dụng con dấu cả trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết. Mặt khác, trả lời của Bộ Nội vụ như vậy còn chưa phù hợp với Nghị định 99 của Chính phủ.

Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ bắt đầu từ hôm nay (4-6) dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cụ thể, trước khi tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau đó tập trung vào công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long cũng được đặt ra.

Tham gia chia sẻ với Bộ trưởng Hà có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ ...

Kế tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Hà là phiên trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Dung là thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời cuối cùng về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Chốt lại phiên chất vấn là phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi làm Phó thủ tướng ông Huệ là "nhân vật chính" của "ghế nóng". Những kỳ trước ông ở vị trí "chia lửa".

Bình luận (0)

Lên đầu trang