Tổng Bí thư: Trong thi đua còn tình trạng "chạy thành tích, chạy khen thưởng..."

Chủ Nhật, 03/06/2018 14:26  | Mai Loan

|

(CAO) Ngày 3-6, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018).

Buổi lễ còn tuyên dương các Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động qua các thời kỳ.

Tới dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Dự lễ còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng hơn 700 đại biểu tiêu biểu, Mẹ Việt Nam Anh hùng, AHLLVTND, AHLĐ khắp mọi miền Tổ quốc…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm
 

Diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân.

Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì đều phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt đời sống nhân dân, dẹp tan khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi...

Cũng theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua Ái quốc. Có thể khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ…

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, những con người vượt lên khó khăn, gian khổ để khẳng định sức sáng tạo, tinh thần lao động miệt mài. Những tấm gương như minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của các phong trào thi đua yêu nước và giá trị vượt thời gian của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Điển hình, thượng úy Trần Bình Phục, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, người thầy giáo không quản ngại khó khăn đã đến các nơi vùng sâu vùng xa để dạy chữ cho trẻ em nhỏ. Đó là Anh hùng lao động, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, đem lại niềm vui cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa cho các cá điển hình tiên tiến

Hay đại tá, phi công AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy - người tiêu diệt nhiều máy bay địch, được Bác Hồ tặng nhiều phần thưởng cao quý, sau hòa bình ông trở về quê với ruộng vườn sông nước. Nhà sáng Phạm Văn Hát (Hải Dương) đã sáng chế nhiều ra nhiều chiếc máy, giúp người nông dân đỡ vất vả lại tạo ra năng suất lao động - hiện anh đã xuất khẩu ra 14 nước trên thế giới và 63 tỉnh thành trong cả nước…

Tại lễ kỷ niệm, 70 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong nghiên cứu, công tác, học tập, lao động, sản xuất đã được biểu dương, tôn vinh và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng. Dịp này, Chính phủ cũng tặng cờ thi đua cho 10 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua các cụm, khối thi đua năm 2017.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Tổng Bí thư hoan nghênh, cảm ơn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục. Đó là phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị.

Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao…

Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ thi đua cho các bộ, ngành 

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua. Muốn vậy, cần xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng.

Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương...

Tổng Bí thư tin tưởng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước đã được kết tinh trong suốt 70 năm qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến thực sự và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa.

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

*Trước đó, tối 2-6, tại Hà Nội, Bộ Công an có buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong Công an nhân dân về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: các điển hình tiên tiến là những tấm gương tiêu biểu về lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tinh thần vượt lên khó khăn gian khổ, tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tận tụy, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu và công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi gặp mặt các điển hình tiến tiến trong CAND

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng rằng các đồng chí sẽ luôn là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, dũng cảm chiến đấu, không quản hy sinh, luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng, giá trị to lớn của việc tu dưỡng tư cách, đạo đức của người Công an cách mạng, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng theo Sáu điều Bác Hồ dạy; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, luôn “Tuyệt đối trung thành với Đảng – Tận tụy với dân – Vì nước quên thân –Vì dân phục vụ”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tổng kết công tác thi đua khen thưởng 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.

* Đối với lực lượng CAND: trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hơn 14 ngàn CBCS Công an đã anh dũng hy sinh; trên 5 ngàn CBCS Công an bị thương; hàng chục ngàn đồng chí bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, mang di chứng qua nhiều thế hệ.

Trong hòa bình, lực lượng Công an tiếp tục cống hiến, chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, 51 CBCS Công an anh dũng hy sinh, 1.376 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ, hơn 222 ngàn tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng và rất nhiều tấm gương cống hiến, sy sinh thầm lặng chưa tổng kết thành các số liệu cụ thể.

Bình luận (0)

Lên đầu trang