Đại học CSND: Góp thêm niềm vui cho các cháu tại làng Hòa Bình

Thứ Sáu, 01/06/2018 20:41

|

(CAO) Nhằm góp thêm niềm vui cho các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, thượng tá, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, đã cùng 12 cán bộ là đại diện các phòng ban, Tạp chí Khoa học giáo dục CSND, Ban chấp hành Đoàn trường đến thăm, tặng quà các cháu sống tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ).

Tại đây, đoàn có dịp thăm hỏi, trò chuỵên để giúp các cháu có thêm niềm vui, động lực sống tốt hơn. Ngoài ra, đoàn tổ chức tặng quà bánh và 10 triệu tiền mặt để hỗ trợ các cháu đón ngày quốc tế thiếu nhi thêm ý nghĩa hơn.

Thượng tá, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn trò chuyện với một em nhỏ tại Làng Hòa Bình
Thiếu tá Lê Văn Việt hướng dẫn một em nhỏ đọc sách

“Thông qua chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi còn hướng tới cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Đây cũng là một trong những chương trình công tác xã hội từ thiện trong năm của Khoa, để nâng cao tinh thần vì cộng đồng của cán bộ chiến sĩ được tốt hơn”, thượng tá Sơn cho biết.

Anh Nguyễn Hồng Lợi khoe bài báo viết về mình cùng bà nội Tạ Thị Chung
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát đến thăm các cháu

Nước mắt hóa nụ cười tại làng Hòa Bình

“Nội ơi, con gửi nội tờ báo có đăng bài về con nè…”, Nguyễn Hồng Lợi (31 tuổi) khoe với bác sĩ (BS) Tạ Thị Chung - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ, Phó giám đốc Làng Hòa Bình. Vừa nói, Lợi vừa lấy tờ báo cất kỹ trong balô, lật đến trang có đăng về thành tích vượt qua chính mình của anh khi tham gia cuộc thi bơi 1,9km đường biển trong giải Iroman 2018. Sau khi xem qua bài báo và khích lệ tinh thần Lợi, BS Chung chia sẻ: “Lợi là vận động viên bơi lội có tiếng trong làng thể thao khuyết tật Việt Nam khi nhận được hàng chục huy chương vàng, đồng các loại”.

Vừa đặt chân đến khu nhà chung, chúng tôi đã nghe râm ran tiếng chào háo hức của các cháu: “Nội ơi, nội ơi…”. Hình ảnh này giúp chúng tôi đánh bay suy nghĩ trong đầu về khu nhà buồn bã trong khuôn viên BV Từ Dũ.

“Hầu hết các cháu ở đây đều sống xa nhà hoặc không có gia đình. Vì vậy, tôi cho phép chúng gọi tôi là bà nội để các cháu đỡ tủi thân và cảm nhận một mái ấm trọn vẹn hơn”, BS Chung cho biết. Hầu hết các trẻ tại đây đều phải ngồi xe lăn do dị tật bẩm sinh từ ảnh hưởng của chất độc da cam. Thậm chí nhiều em không thể ngồi dậy từ khi sinh ra. Thấy người lạ đến thăm, các em chỉ biết ú ớ hoặc la hét để thể hiện niềm hạnh phúc.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát chụp hình lưu niệm cùng các bác sĩ tại Làng Hòa Bình

Làng Hòa Bình thành lập năm 1990, sau ca mổ lịch sử tách liền hai trẻ song sinh dính nhau Việt - Đức. “Đến thời điểm hiện tại, làng đã nuôi dưỡng khoảng 400 cháu nạn nhân chất độc da cam hoặc đến từ các gia đình khó khăn, không đủ điều kiện nuôi dưỡng.

Ngoài chăm sóc sức khỏe các bé, chúng tôi còn tổ chức các lớp dạy văn hóa, dạy nghề cho những cháu có khả năng. Nhờ vậy, khoảng 6 cháu đã vào đại học, còn lại chủ yếu học nghề… để hòa nhập cộng đồng tốt hơn” - BS Lê Thị Hiền Nhi, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - BV Từ Dũ, cho biết.

Hiện có 38 cháu đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình và 16 cháu được hỗ trợ kinh phí chăm sóc tại gia đình. Do bị ảnh hưởng từ cha mẹ sống tại những vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, nên khi sinh ra các cháu phải mang nhiều dị tật trên cơ thể.

Trong đó, nhiều nhất là các chứng dị dạng hộp sọ, bại não, đa khớp tứ chi, mất chân, mất tay, não úng thủy,... Vượt qua mọi khó khăn đó, nhiều cháu đã phấn đấu trở thành những mầm xanh, ngày đêm cống hiến sức mình cho đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang