Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thành bại của ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế

Thứ Hai, 22/08/2016 17:58

|

(CAO) Sáng 22-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Báo điện tử Công an TP.HCM xin giới thiệu đến độc giả toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí,

Nhân dịp tới dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 - một sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành ngoại giao mà đối với tất cả các binh chủng hợp thành trên mặt trận đối ngoại của đất nước, tôi xin gửi đến các nhà ngoại giao lão thành, các đồng chí đại biểu lời chào thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi cũng nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao từ gần 100 địa bàn khác nhau mang về Hội nghị những thông tin thời sự nóng hổi về tình hình tại các khu vực, thể hiện bức tranh toàn cảnh đa dạng, phong phú của đời sống quốc tế.

Hội nghị ngoại giao lần này là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về đối ngoại, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm cho những năm tới. Đây cũng là một dịp để các cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức rõ hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra xung lực mới cho toàn ngành, từng đơn vị và từng cá nhân trong công việc của mình.

Như các đồng chí đã biết, về kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, Đại hội XII của Đảng đã đánh giá khái quát: "Môi trường hoà bình thuận lợi cho phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có bước phát triển mới".

Cụ thể là:

- Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với hoạt động đối ngoại sôi động, tích cực, chúng ta đã mở rộng và nâng lên tầm cao mới các mối quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Chính bản chất nhân nghĩa, hoà hiếu, khoan dung của dân tộc đã giúp ngoại giao Việt Nam xoá bỏ hận thù và san lấp khoảng cách giữa nước ta với các nước, kể cả với những nước vốn là cựu thù của đất nước ta.

- Hoạt động đối ngoại đã góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chúng ta đã hoàn thành thực hiện phân giới cắm mốc với Lào, Trung Quốc; đang thúc đẩy phân giới cắm mốc với Campuchia, đàm phán phân định biển và hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, xử lý các vấn đề liên quan đến thềm lục địa mở rộng với Malaysia. Đối với những vấn đề phức tạp trên Biển Đông, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng-an ninh, với đối ngoại nhân dân, nhằm kiểm soát bất đồng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp. Ngành ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước.

- Hoạt động đối ngoại đã chủ động, tích cực triển khai mạnh và hiệu quả chủ trương lớn về Hội nhập quốc tế do Đại hội XI của Đảng đề ra và được cụ thể hóa trong Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị khóa XI. Hội nhập quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các kênh, gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại của Quốc hội, đối ngoại nhân dân, diễn ra trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nỗ lực trong hoạt động đối ngoại đã phát huy vai trò của nước ta trên nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế, tranh thủ có được những vị trí xứng đáng trong Hội đồng Bảo an, Ủy ban nhân quyền, Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên Hợp Quốc... Đặc biệt, đã phát huy vai trò là thành viên tích cực trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam được đánh giá cao trong việc thực hiện Chương trình Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, lần đầu tiên tham gia và được tín nhiệm trong hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

- Hoạt động đối ngoại đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù tình hình chính trị-kinh tế thế giới diễn biến không thuận, song Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là 21.666 dự án, với tổng vốn đăng ký là hơn 293 tỉ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Chúng ta đã đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, mở ra triển vọng huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước.

- Đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Người Việt Nam ở xa đất nước ngày càng hướng về quê hương, gắn bó và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Những kết quả đó là do có sự lãnh đạo sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, sự vào cuộc và hoạt động tích cực của tất cả các ngành, các cấp, trong đó ngành ngoại giao đóng vai trò đi đầu. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại thời gian qua cũng còn một số hạn chế; có việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt mà Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra. Cụ thể là, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa được như mong muốn.

Từ tất cả những kết quả và hạn chế nêu trên và nói chung là từ toàn bộ hoạt động phong phú, sôi động trên mặt trận đối ngoại thời gian qua, chúng ta có thể đúc kết được những bài học thiết thực. Đó là:

- Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn là giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Việt Nam xác định rõ hơn vị trí của mình trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của tình hình thế giới. Lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai".

- Bài học về xây dựng sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như căn dặn của Bác Hồ: "sự nghiệp thành công bởi chữ đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn và sự triển khai hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo ra sự đồng thuận lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại ngày càng hoàn thiện; cơ chế phối hợp ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế với ngoại giao an ninh-quốc phòng, ngoại giao văn hóa-xã hội, ngoại giao nhân dân, thậm chí cả ngoại giao môi trường; giữa trung ương và địa phương... đã có nhiều cải tiến, góp phần làm nên sức năng động, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại.

- Bài học về công tác xây dựng ngành và công tác cán bộ mà Bác Hồ coi là "cái gốc của mọi công việc". Các thế hệ cán bộ đối ngoại đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, trong đó có đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao với chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai công tác đối ngoại. "Mang chuông đi đánh xứ người" là một công việc rất khó khăn và vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, bước đầu thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của con cháu Hồ Chí Minh.

- Cuối cùng, bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã chứng tỏ sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể. Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các sự kiện đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã thực sự đưa đến tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Tôi mong Hội nghị tập trung thảo luận, bổ sung, làm rõ thêm những bài học có thể rút ra từ thực tiễn của những năm qua, làm cơ sở cho việc thực thi những nhiệm vụ mới to lớn hơn, phức tạp hơn trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Hiện nay, nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ vô cùng trọng đại. Đối ngoại không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ góp phần xứng đáng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ ngành ngoại giao nói riêng, hoạt động đối ngoại nói chung đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn, quan trọng:

Trước hết, là nhiệm vụ tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Đại hội XII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới là những tiền đề thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ nói trên, nhưng nước ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Về ngắn hạn, chúng ta vừa phải khắc phục những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới, cũng như những yếu kém vốn có của nền kinh tế và những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời lại phải hứng chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường và nhiều thách thức mới nảy sinh từ nền kinh tế thế giới. Về dài hạn, thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc toàn diện, từ cơ cấu sản xuất, tiêu dùng đến cơ cấu thị trường, tiền tệ… Mặt khác, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đang mở ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa loài người lên tầm cao phát triển mới.

Như vậy, nền kinh tế nước ta vừa phải giải quyết những vấn đề trước mắt, đồng thời phải đối mặt với những biến chuyển hết sức sâu rộng trong nền kinh tế thế giới. Nếu nước ta không vượt qua được những thách thức mới mẻ và phức tạp này thì nguy cơ tụt hậu sẽ càng lớn hơn. Ngành ngoại giao không thể đứng ngoài nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đó. Hội nghị nên đi sâu thảo luận xem ngành mình có thể làm được những việc gì. Tôi muốn gợi ý mấy việc:

Là một ngành có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều nguồn thông tin về chính trị, kinh tế thế giới, khoa học công nghệ, thị trường, có nhiều cơ quan đại diện ở khắp năm châu, ngoại giao cần đặt ưu tiên cao và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, cung cấp thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới, giúp cho lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển chung.

Ngày nay, đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện trong việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tình hình mới mẻ đó đặt lên vai ngành ngoại giao trách nhiệm nặng nề là góp phần đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế đến mức tối đa tác động bất lợi từ những thách thức có thể nẩy sinh. Vì mục đích đó, ngành ngoại giao phải phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư, du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoại giao cần có các biện pháp thiết thực giúp đỡ các ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp, trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài nhằm tiêu thụ hàng hóa, tranh thủ vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý.

Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn hết sức phức tạp là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới. Tuy hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình chính trị-an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang, các hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Ngay ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng đang diễn ra những thay đổi rất phức tạp, liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động. Muốn thế, cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, kể cả châu Á-Thái Bình Dương và Đông Á, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nước ta, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hòa bình và hợp tác để phát triển. Nhằm mục tiêu đó, cần giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó có thương lượng song phương trên những vấn đề liên quan tới hai nước và đa phương trên những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong thế giới liên kết, toàn cầu hóa hiện nay, đối ngoại quốc phòng-an ninh cũng có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "Giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Thành bại của ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong "sức mạnh mềm". Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu trước đây trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bằng sự nghiệp chính nghĩa và xương máu của mình, nhân dân ta đã giành được sự đồng tình và vị trí rất cao trong lương tri của nhân loại, thì ngày nay nhờ công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại hòa hiếu, rộng mở, Việt Nam đã có được một vị thế mới trong quan hệ quốc tế. Nói cách khác, chúng ta phải luôn luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.

Trong khuôn khổ triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII, chúng ta cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, nâng cao vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN. Kiên trì chủ trương tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Ngành ngoại giao cũng cần đi đầu phối hợp với đối ngoại nhân dân và các ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, phát huy có hiệu quả nhất lợi thế sức mạnh mềm của đất nước, bắt đầu từ văn hóa. Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên "thương hiệu" cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Để hoàn thành được những nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức nêu trên thì công việc có ý nghĩa then chốt là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như xây dựng ngành, củng cố tổ chức và đội ngũ về mọi mặt với trọng tâm là nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và nội dung công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức đảng, bản lĩnh chính trị và tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Mọi cán bộ, đảng viên, công chức và viên chức trong ngành phải không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, luôn luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo và chủ động trong cuộc đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Các đồng chí cần trao đổi trên tinh thần xây dựng và nghiêm túc xem trong nội bộ có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị không; có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" không; có hiện tượng nói không đi đôi với làm, thậm chí trong giao tiếp đối ngoại cũng không đủ dũng khí bảo vệ quan điểm của Đảng, của đất nước không? Do đặc thù của ngành, các cán bộ, công chức, viên chức ngoại giao thường tiếp xúc và sinh hoạt trong môi trường bên ngoài rất dễ bị cám dỗ. Cho nên, cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật xem trong ngành có những biểu hiện sai lệch về tư tưởng, đạo đức, lối sống; có những biểu hiện chạy việc, chạy chức, chạy địa bàn... không, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy toàn ngành. Hơn ai hết, cán bộ ngoại giao phải học và làm việc theo gương Bác Hồ, một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách. Học Bác để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà đối với những đối tượng mà ngành có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm phục vụ, bao gồm cả công dân nước ta và nước ngoài. Nhân đây, các đồng chí cũng cần nghiên cứu xem xét cơ cấu, bố trí lại bộ máy ở trong nước và mạng lưới các cơ quan đại diện ở nước ngoài trên cơ sở lấy hiệu quả làm tiêu chí cao nhất, nhằm vừa nâng cao chất lượng hoạt động của ngành vừa góp phần tiết kiệm, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Tôi mong các đồng chí đi sâu thảo luận, làm rõ thêm nhận thức về những công việc trọng yếu nói trên và đề ra được những biện pháp thiết thực, cụ thể, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Thưa các đồng chí,

Trong một thế giới đầy biến động, đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp. Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9- hai sự kiện đã mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của nước ta trong lịch sử hiện đại, đồng thời cũng để lại những bài học vô giá về vị trí, vai trò của hoạt động ngoại giao trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"- mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tôi mong rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại luôn thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh và những bài học của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thường xuyên nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn và chúc các nhà ngoại giao lão thành, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành ngoại giao, các cán bộ làm công tác đối ngoại ở trung ương và địa phương, dồi dào sức khỏe và thu được nhiều thắng lợi mới trong nhiệm vụ đầy trọng trách của mình. Tôi cũng nhờ các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao chuyển tới các cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt của dân tộc và mong đồng bào luôn hướng về quê hương, góp phần làm cho đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phồn vinh và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới ngày càng thân thiết, bền chặt.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang