Làm việc đến tận cơ sở, Thủ tướng gửi thông điệp: Chống dịch phải quyết liệt!

Thứ Sáu, 17/09/2021 09:32

|

(CATP) Trong những ngày qua, tác phong và phong cách làm việc đến tận cơ sở phường, xã về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Phạm Minh Chính khiến người dân rất hài lòng và hết lòng ủng hộ. Người dân mong muốn Chính phủ và các cơ quan Trung ương cần duy trì hệ thống làm việc trực tuyến như vậy để gần dân hơn, sâu sát hơn, hiệu quả hơn không chỉ trong công tác phòng chống dịch.

Tác phong "chống dịch như chống giặc"

Đặc biệt trong hai cuộc làm việc trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo quận Thanh Xuân (Hà Nội - chiều tối 31-8) và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang (ngày 13-9) được dư luận nhân dân hết sức quan tâm và cho rằng với tác phong sâu sát đến tận cơ sở, tận cấp phường xã, Thủ tướng đã gửi đến các cơ sở, dù ở rất xa Trung ương, thông điệp rằng Chính phủ luôn ở sát bên cạnh và nắm rất rõ các thông tin về phòng chống dịch ở địa phương; không thể và không điều gì có thể qua mặt được Chính phủ. Thông điệp đó gửi đến các cơ sở phải luôn luôn quán triệt tác phong "chống dịch như chống giặc", phải sâu sát, phải nắm được mọi thông tin của địa phương mình, chứ không phải chống dịch theo kiểu ngồi một chỗ chỉ đạo, xa rời thực tế.

Câu chuyện Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống dịch ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) hôm 31-8, cho thấy sự nhạy cảm của một vị Thủ tướng rất gần dân, hiểu biết rất rõ hoạt động của các địa phương cơ sở. Thủ tướng biết rõ Thanh Xuân đang là điểm nóng của dịch Covid-19, mà phường Thanh Xuân Trung là địa phương "nóng" nhất. Do vậy Thủ tướng bỏ qua kế hoạch dự buổi lễ khánh thành bệnh viện dã chiến, trực tiếp đến kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại quận Thanh Xuân. Người đứng đầu Chính phủ tới ngay "điểm nóng" ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi - ổ dịch lớn nhất, nóng nhất tại Hà Nội, lúc đó đã phát hiện 313 ca F0 trên tổng số khoảng 1.800 người dân.

Hệ thống kiểm tra trực tuyến ngay trong phòng làm việc của Thủ tướng

Tại đây, ngay lập tức Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay 2 việc. Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông; hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường. Thủ tướng thấy ngay nhiều lỗ hổng trong công tác chống dịch ở đây. Kiểm tra công tác chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng hết sức bất ngờ khi mới 16 giờ 30 mà trụ sở này vắng hoe.

Khi làm việc, Thủ tướng mới phát hiện phường Thanh Xuân Trung khuyết Bí thư hơn 1 tháng qua, trong khi công tác chống dịch đang nóng hổi trên địa bàn. Thủ tướng phê bình ngay lãnh đạo Quận ủy vì chậm trễ trong việc kiện toàn nhân sự cho phường. "Cả tháng rồi chưa kiện toàn bí thư phường, khuyết điểm này thuộc về quận Thanh Xuân. Phường là vùng đỏ rồi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này phải kiện toàn ngay để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu chống dịch, chăm lo cho dân", Thủ tướng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo địa phương.

Nếu không có sự phát hiện của Thủ tướng, chưa chắc đến nay phường này đã có bí thư! Và ngay sau đó, tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, kết nối với các quận huyện và toàn bộ 579 xã, phường.

Không chỉ làm việc với quận, phường, Thủ tướng còn trực tiếp trao đổi, nắm tình hình với nhiều người dân, trong đó có cả một shipper đang vận chuyển hàng trên đường; đích thân kiểm tra 4 cửa hàng bán hàng thiết yếu vẫn được phép mở cửa và 1 cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Trãi. Với shipper gặp trên đường Nguyễn Trãi, Thủ tướng tận tay trực tiếp xem giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm vắc-xin, xịt khử khuẩn tay... Thủ tướng mong muốn những người bán hàng và người vận chuyển phải tuyệt đối chấp hành các quy định phòng chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân, trong một kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại TPHCM

Phải tổ chức lại công tác chống dịch phù hợp với thực tế

Ngay sau khi đi kiểm tra việc chống dịch tại các xã, phường, thị trấn của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hà Nội, Thủ tướng đã chỉ đạo thiết lập trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng, chống dịch ngay tại phòng làm việc của Thủ tướng. Đây là hệ thống họp trực tuyến đầu tiên phục vụ Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo, điều hành trực tiếp xuống các "pháo đài" cấp phường, xã trên cả nước.

Ngày 13-9, qua trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến ngay tại văn phòng làm việc của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang - hai địa phương có diễn biến dịch phức tạp, trong khi các tỉnh thành khác có xu hướng đang kiểm soát được dịch.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang) như số ca mắc trong cộng đồng tuần, công tác xét nghiệm, tình hình thực hiện giãn cách, việc triển khai trạm y tế lưu động...

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình tỏ ra lúng túng với những câu hỏi của Thủ tướng, quên cả số liệu, thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa tốt, tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn.

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn, về việc đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn chưa, nhưng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang lại trả lời rằng đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà. Thủ tướng không hài lòng, nhấn mạnh điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau!

Bày tỏ chưa hài lòng khi việc triển khai thực tế ở cơ sở, một số lãnh đạo chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhận thức chưa đầy đủ công tác khẩn cấp phòng chống dịch trong tình hình hiện tại, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh.

Cuộc làm việc rất cụ thể này của Thủ tướng với lãnh đạo hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang cho thấy tư duy nhạy bén, nắm bắt những tồn tại ở cơ sở rất nhanh của Thủ tướng và ngay lập tức có những chỉ đạo sát sao, cụ thể để hai địa phương này phải tổ chức lại công tác chống dịch phù hợp với tình hình thực tế.

Dù cuộc làm việc có thể làm lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang "giật mình" nhưng là lời cảnh báo cần thiết cho các địa phương còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Cuộc kiểm tra lúc nửa đêm của Thủ tướng

Khoảng 23 giờ ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện thoại cho ông Phan Văn Tường (Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình) và ông Lê Thanh Phương (Phó chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang), để kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương này. Qua điện thoại, Thủ tướng hỏi lãnh đạo huyện An Phú: "Một huyện đỏ quạch như thế này mà không triển khai trạm y tế lưu động là sao? Cái này phổ biến bao nhiêu ngày rồi?", làm lãnh đạo huyện An Phú lúng túng.

Ông Phan Văn Tường - Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình cho biết khuya 14-9, Thủ tướng đã gọi điện thoại cho ông để kiểm tra công tác phòng chống dịch khi Long Bình đang có 485 ca mắc Covid-19. Ông Tường phân bua: "Mấy anh em chỉ huy bị cách ly nên Thủ tướng gọi số điện thoại bàn không ai nghe máy. Sau đó, Thủ tướng gọi điện thoại trực tiếp cho tôi".

Ông Tường nói Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát thực tế với công tác xét nghiệm, việc thành lập các trạm y tế lưu động, việc giãn dân chống dịch...

Nhờ cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng "điểm danh" và "nhắc nhở" nửa đêm 14-9 đối với thị trấn Long Bình, ngày 15-9, Thường trực Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang mới có cuộc làm việc tại huyện An Phú cùng với thị xã Tân Châu, TP.Châu Đốc và huyện Phú Tân để tăng cường công tác chống dịch nghiêm ngặt theo yêu cầu của Thủ tướng.

Cũng trong khuya 14-9, Thủ tướng cùng 4 bộ trưởng tiếp tục trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường xã đang có diễn biến dịch phức tạp, gồm: phường Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá; xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang; phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Nắm thông tin rất cụ thể đến tận phường xã, vì thế sau buổi họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong sáng 15-9 phải có công điện gửi tất cả các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 về việc thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu trong công tác chống dịch.

Có thể thấy hình ảnh phiên họp cùng những câu hỏi "nóng bỏng" với lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, các địa phương cấp phường, xã được phát trên truyền hình và lan truyền trên mạng Internet, thu hút sự quan tâm của người dân với rất nhiều chia sẻ, cho thấy người dân ủng hộ phong cách làm việc, chỉ đạo sâu sát và cụ thể của Thủ tướng. Phong cách làm việc rất gần với có sở như vậy, Thủ tướng muốn các lãnh đạo địa phương phải làm việc cật lực hơn, chứ không thể ngồi ở bàn giấy, chỉ đạo từ xa. Nó cũng biến những cuộc họp theo khuôn khổ, người báo cáo, người nghe gần như không có ý kiến gì sâu sắc, nay trở thành những cuộc chất vấn hết sức cụ thể, chất lượng công việc được nâng lên rõ rệt.

Phong cách làm việc đó của Thủ tướng cũng gửi đi thông điệp rằng, dù từ Trung ương, tại Hà Nội, nhưng Thủ tướng vẫn biết một xã tận Cà Mau, Bạc Liêu, hay tận Cao Bằng, Lạng Sơn, chính quyền địa phương đang làm gì và làm như thế nào với những chỉ đạo chống dịch khẩn trương của Chính phủ.

Người dân cũng hy vọng rằng, với hệ thống làm việc trực tuyến hiệu quả như vậy của Chính phủ, không chỉ Chính phủ, mà các Bộ, ban ngành cấp Trung ương nên duy trì và tăng cường những cuộc họp kiểu chất vấn "nóng", dù dịch sau này đã được khống chế.

Những cuộc họp như vậy cũng để các cơ quan Trung ương gần dân hơn, biết rõ dân đang cần gì, muốn gì và biết cả chất lượng cán bộ cơ sở đang hoạt động ra sao. Những cuộc họp chất lượng như vậy còn hiệu quả hơn nhiều so với những chuyến kinh lý "cưỡi ngựa xem hoa".

Kiên Giang, Tiền Giang phải kiểm soát được dịch trước 30-9

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận 247/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Kiên Giang, tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh và một số đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, dù đã thực hiện giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài nhưng đến nay cả hai tỉnh vẫn chưa kiểm soát triệt để được dịch bệnh. Nguyên nhân là do có nơi, có lúc chủ quan, lơ là cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại một số địa phương. Việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình và nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch của một số nơi chưa chắc, chưa sát, chưa đầy đủ. Tổ chức thực hiện, nhất là tại cơ sở còn bị động, lúng túng, thiếu khoa học, chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tiền Giang rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế nêu trên. Hỗ trợ, chấn chỉnh, uốn nắn việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang xác định cụ thể mục tiêu phòng, chống dịch cho từng địa phương trên địa bàn; xác định rõ phạm vi, thời gian tiếp tục giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; phấn đấu để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất và chậm nhất đến 30-9-2021 dứt khoát phải kiểm soát được dịch bệnh, không để phải tiếp tục giãn cách xã hội kéo dài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang