Chủ trì họp báo vào chiều nay (28-10), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, kết quả lấy ý kiến đại biểu cho thấy, sự quan tâm của đại biểu đối với 5 nhóm vấn đề được đặt ra như sau: lĩnh vực nội vụ (85% đại biểu); công thương (82,4%); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (78%); Thông tin – truyền thông (77%); Thanh tra (70%).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo danh sách thành viên CP trả lời chất vấn
Theo trình tự lựa chọn từ cao xuống thấp, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bốn Bộ trưởng, trưởng ngành được chọn trả lời, gồm Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công thương; Nội vụ và Thông tin – Truyền thông.
Theo đó, nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dự kiến về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển cũng là những vấn đề được đặt ra cho Bộ trưởng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
“Chia lửa” với ông Cường là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Y tế, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Khoa học – Công nghệ, Thông tin – Truyền thông, GTVT, Lao động, Thương binh & Xã hội cùng tham gia giải trình về các vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng “đăng đàn” trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá này.
Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tập trung vào công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng cũng dự kiến được đặt ra.
Cùng tham gia giải trình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên – Môi trường, Khoa học – Công nghệ, Thông tin – Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ tiếp theo “đăng đàn” với nội dung tập trung vào việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Nội dung tiếp theo là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức và công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân gồm có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục – Đào tạo, Y tế.
Lĩnh vực Thông tin – truyền thông của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được quan tâm 3 nội dung cụ thể, gồm: công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Khoa học – Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo nghị trình, phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ diễn ra trong 3 ngày cuối tuần sau (ngày 6, 8 và 11). Sau phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu và làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.