Công an TP.HCM: Tập huấn chuyên sâu các luật phục vụ công tác

Thứ Hai, 28/10/2019 17:58

|

(CAO) Thực hiện Kế hoạch số 3084/KH-CATP-PV01 ngày 18-10-2019, ngày 28-10, Công an TPHCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Đặc xá, Luật Quốc phòng và Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) cho lãnh đạo các phòng ban, quận huyện.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo của các phòng chức năng thuộc CATP, đại diện ban chỉ huy công an 24 quận, huyện cũng như các cán bộ làm công tác liên quan.

\Hội nghị tập huấn đã nghe Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu rõ sự cần thiết xây dựng, ban hành các luật, mục đích, quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng cũng như bố cục, những nội dung cơ bản của các luật nêu trên.

Thiếu tướng Trần Đức Tài phát biểu khai mạc hội nghị.

Được biết, sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực PCTN của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta.

Kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, những mặt còn hạn chế, bất cập của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật PCTN năm 2018 nhằm khắc phục tình trạng đó.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh báo cáo những nội dung quan trọng tại hội nghị

Cũng tương tự, Luật Quốc phòng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 14-6-2005 (Luật Quốc phòng năm 2005), có hiệu lực từ ngày 01-01-2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng cần được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay…

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng năm 2018 là hết sức cần thiết...

Bình luận (0)

Lên đầu trang