Covid-19 thách thức mục tiêu giảm nghèo

Thứ Sáu, 23/07/2021 21:29

|

(CAO) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang gặp thách thức bởi dịch bệnh có thể khiến những người cận nghèo tái nghèo…

Trình Quốc hội báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp chiều 23-7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm.

Có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội

Nêu các đề xuất trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Dung chia sẻ, sẽ tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác.

“Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn” – ông Dung nói.

Bên cạnh đó hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp....

Cho ý kiến về nội dung trên tại phiên thảo luận tổ ngay sau đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TPHCM) yêu cầu Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về hiện trạng, bởi dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, và những người nghèo đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TPHCM) nêu ý kiến thảo luận

“Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao. Không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ” - bà Thuý phân tích.

Còn về phía doanh nghiệp (DN), nữ đại biểu của TPHCM phản ánh, sẽ có nhiều nơi không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa.

Kiến nghị với Chính phủ, đại biểu Thuý cho rằng cần phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động, có sức lao động, nhưng không làm việc, mất việc...), từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng.

“Những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững, theo đó đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng theo hướng này” - bà Thuý gợi ý. Theo đại biểu, cần đào tạo những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định, tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng.

Cũng nhìn nhận một trong các giải pháp để xoá đói giảm nghèo bền vững là dạy nghề, song đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) than các lĩnh vực chuyển đổi nghề hiện nay kém hiệu quả.

“Người dân tự cứu nhau, ai tìm được gì làm thì làm, chứ chúng ta nói nhiều mà chưa làm được nhiều” – ông Hồi bình luận.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) đề nghị 6 đề án mà Chính phủ đưa ra trong chương trình giảm nghèo bền vững cần được sắp xếp lại để đảm bảo đúng trọng tâm, theo đó nên ưu tiên cho vấn đề chuyển đổi sinh kế, vì đây là vấn đề cốt lõi để giảm nghèo.

"Không chuyển đổi được sinh kế sẽ vẫn đói ăn không làm được gì. Sinh kế cho người dân phải là số một. Có sinh kế rồi thì đào tạo bồi dưỡng con người để phù hợp với sinh kế ấy" - ông Cừ khẳng định.

Vẫn theo đại biểu Hà Nội, có nơi cả xã trồng cây gì cũng không phát triển, người dân không có sinh kế, rất cần nhà khoa học, huyện, tỉnh tập trung để xác định giúp người dân.

“Nguồn ngân sách 75.000 tỉ đồng mà Chính phủ đề nghị cho công tác giảm nghèo bền vững cần được chỉ đạo sát sao để tập trung vào vấn đề tạo sinh kế cho người dân, nếu không sẽ không giảm nghèo được mà lãng phí nguồn lực” – ông Cừ khuyến nghị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang