Nêu ý kiến đầu tiên, cử tri Trần Viết Hoàn (P.Vĩnh Phúc, Ba Đình) đánh giá, kể từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV đến nay đã có thêm nhiều vụ án lớn được đưa ra ánh sáng và nhiều vụ việc gây bất bình đã được phơi bày. Các quan tham cũng đã hiện bộ mặt thật trước pháp luật như vụ Mobifone mua AVG, vụ đánh bạc dưới hình thức công nghệ cao, vụ Vũ “nhôm”...
Đoàn ĐBQH khóa XIV TP.Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6
Qua những vụ án đã xử, theo ông Hoàn, đa phần là cán bộ cấp cao phạm tội. “Những người này quyền cao, lộc nhiều, lương cao thế mà vẫn tham, tham nhiều tiền, tham nhiều đất, tham nhiều nhà, cậy quyền cao để ra sức vơ vét, gây hại thanh danh của Đảng, kinh tế của đất nước” - cử tri Hoàn phản ánh và đặt vấn đề, nếu các quan tham cứ bòn rút nhiều như vậy thì đến khi nào các cháu nhỏ mới thoát khỏi cảnh chui túi nilon bơi qua suối đi học, người dân khi nhập viện vẫn phải 2-3 người một giường...
Vụ AVG đã thu hồi 8.500 tỷ đồng
Thông tin đến cử tri về việc xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Bí thư cho biết, nếu như trước kia việc này là khâu yếu thì giờ khắc phục rồi, công bố công khai rồi. “Riêng vụ AVG đã thu hồi 8.500 tỷ đồng. Khi đã thu hồi tài sản thì phải giảm nhẹ cho người ta chứ” - Tổng Bí thư nêu quan điểm. Với vụ Đinh La Thăng, Tổng Bí thư cho biết, cũng “thu được kha khá tỷ đồng”.
“Dân mong Đảng, Nhà nước phải có chế tài thật nghiêm minh, công khai, phải thanh tra, kiểm tra và rất cần có sự tham gia của người dân khi đưa người vào các cấp lãnh đạo” - ông Hoàn bày tỏ.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh PCTN thời gian qua, song cử tri Lê Đức Hạnh (P.Kim Mã, Ba Đình) băn khoăn khi việc thu hồi tài sản tham nhũng còn rất khiêm tốn, việc xem xét các vụ việc tham nhũng còn qua chậm.
“Đề nghị đoàn ĐBQH, QH xem xét có quy định giải pháp cụ thể để thu hồi tài sản tham nhũng được kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy”. Cử tri mong muốn lò đã nóng thì sắt thép cũng cháy” - ông Hạnh kiến nghị.
Cử tri Trần Công Dân (P.Thành Công, Ba Đình) thì cho rằng, từ năm 1998 đã có pháp lệnh chống tham nhũng, rồi đến năm 2005 có Luật PCTN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì chưa quyết liệt lắm, “vừa quyết nhưng dường như đã liệt” vì còn nhiều đan xen bởi các quy định dưới luật.
“Sau Đại hội 12 của Đảng, công tác PCTN, lãng phí mới đặt đúng vị trí. Từ chỗ bèo dạt mây trôi đã chặn được luồng gió độc hại. Một số khuyết điểm, tồn tại từ lâu đã được căn chỉnh khá khoa học, quyết tâm chính trị cao, không có chỗ nào là vùng cấm, bước đầu đã tăng quyết, giảm liệt, lấy lại được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước” - ông Dân tin tưởng và cho rằng, việc sửa đổi Luật PCTN là sự tất yếu.
Tuy nhiên cử tri vẫn băn khoăn về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ và việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. “Nếu cán bộ nào không tự giác kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, khi tổ chức kiểm tra phát hiện ra, thấy thiếu trung thực, dối trá thì xã hội văn minh này không thể dung nạp những người đối trá” - ông Dân kiên quyết và kiến nghị cần phải buộc buộc thôi việc những người này.
“Còn tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì có 2 trường hợp. Một là của cải quá nhiều, quên đi. Hai là chỉ có tài sản bất minh. Đa số cử tri muốn tài sản ấy cứ tịch thu xung công như các nước đã làm. Rất nhẹ nhàng, hiệu quả cao, phần nào giải quyết được việc không cần tham nhũng vì tham nhũng là muốn có của cải mà lại bị tịch thu thì tham nhũng làm gì” - ông Dân nêu giải pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải đáp thắc mắc của cử tri
Giải đáp thắc mắc của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ tiếp xúc lần nào cử tri cũng quan tâm đến vấn đề PCTN. Những kết quả từ cuộc đấu tranh này được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Về ý kiến kê khai và xử lý vụ án tham nhũng còn chậm, theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề khó vì nó thiên biến vạn hoá, lại liên quan đến quyền công dân về bí mật tài sản. “Tuy nhiên, bí mật nhiều khi dẫn đến trí trá trong kê khai” - Tổng Bí thư nhận định.
Cũng theo người đứng đầu Đảng, việc xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua đã được tiến hành nhanh, khắc phục được nhiều về mặt thời gian. “Trước đây có nhiều vụ án bao năm vẫn chưa xong, gần đây đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn” - Tổng Bí thư nói và lưu ý vấn đề còn là quy trình xem xét phải qua nhiều khâu, phải có chứng cứ, phải thuyết phục. Và thực tế, theo Tổng Bí thư, đã có nhiều vụ được làm tập trung quyết liệt, như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là làm sớm hơn dự kiến...