Chiều ngày 13/4/2016, tại khách sạn Intercontinental đã diễn ra một cuộc gặp mặt lịch sử giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ - những “đối thủ trên trời” trong khoảng thời gian suốt từ năm1965-1975.
Thật ra, trước đó cũng đã có cũng vài cuộc gặp mặt lẻ tẻ, nhưng mang tính cá nhân giữa các phi công Mỹ và phi công tiêm kích Việt Nam.
Cuộc gặp lịch sử này được tổ chức bởi sáng kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng không không quân, phi công lái MIG-21 đã từng xuất kích 100 lần và bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Phía Mỹ là ông Charile Tutt, đã từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 10-1969 đến 9-1970, ông lái máy bay F-4B, chuyên làm nhiệm vụ yểm trợ và cường kích.
Về phía Việt Nam, tham dự cuộc gặp mặt này có các phi công danh tiếng, đó là: Trung tướng Phạm Phú Thái, phi công lái MIG-21, anh hùng lực lượng vũ trang, bắn rơi 4 máy bay Mỹ; ông Lê Thanh Đạo, phi công MI-21 bắn rơi 6 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Bảy lái MIG-21 đã 100 lần xuất kích, 13 lần nổ súng và đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ; phi công Mai Đức Toại bắn rơi 2 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn rơi 5 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi 5 máy bay Mỹ; phi công Đồng Văn Song lái MIG-21 bắn 4 máy bay Mỹ; Từ Đễ lái MIG-17 và sau lái cả A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975 và một số phi công, kỹ sư của lực lượng không quân Việt Nam.
Về phía Mỹ cũng có những phi công đã từng bắn rơi 2 máy bay MIG-17 của ta, như Đại tá Jack Ensch lái F-4B bắn rơi 2 MIG-17 trận ngày 23-5-1972; Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew đã tham gia không chiến trong trận ngày 6-5-1972 và bắn rơi 1 MIG-21 của ta (người lái là đồng chí Lập). Tổng cộng có 10 phi công, nhưng số lái máy bay tiêm kích trực tiếp không chiến chỉ có 5 người, còn lại là lái cường kích, yểm trợ chiến thuật, hoặc tìm kiếm, cứu nạn.
Phi công Nguyễn Văn Bảy, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, gặp gỡ một cựu phi công Mỹ.
Đặc biệt, trong cuộc gặp hôm nay có ngài cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson đã từng tham chiến ở Việt Nam, và đã bị bắn rơi trên bầu trời Hải Dương.
Buổi gặp gỡ diễn ra rất xúc động, bởi suốt một thời gian dài họ từng là đối thủ trên trời của nhau và chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt. Các cựu phi công gặp nhau có cảm giác rằng giữa họ không có sự khác biệt. Thời gian đã trôi đi, những vết thuơng quá khứ đã liền sẹo và Trung tướng Nguyễn Đức Soát trong lời phát biểu của mình đã mong muốn rằng, các cựu phi công hãy làm cho nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Còn Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew rất xúc động khi hỏi rằng, trong các phi công ngồi đây, có ai là không mất bạn bè, người thân ruột thịt hoặc vợ con. Ông cũng cho rằng giữa các phi công đều có một điểm tương đồng, đó là họ đều có lòng yêu nước, chỉ có điều, các phi công Việt Nam thể hiện lòng yêu nước bằng lòng dũng cảm, chiến đấu bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình. Và trong một chừng mực nào đó, những phi công Mỹ vẫn còn nợ Việt Nam những lời xin lỗi.
Tại cuộc gặp, phóng viên PetroTimes đã phỏng vấn được một số cựu phi công Mỹ và tất cả ai cũng đều công nhận rằng phi công Việt Nam quá giỏi. Cũng phải nói thêm rằng, một số phi công Mỹ trong số này từng tham chiến ở chiến tranh Triều Tiên, họ đối đầu với phi công Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và cả Liên Xô cũ, nhưng với họ, phi công Việt Nam là những người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc.
Cũng phải nói thêm trong cuộc chiến tranh bảo vệ vùng trời phía Bắc, các phi công Việt Nam đã bắn rơi 320 máy bay Mỹ. Và phía ta, có 73 phi công tiêm kích, 28 phi công máy bay vận tải hy sinh.
Theo chương trình, các cựu phi công sẽ đi thăm một số sân bay quân sự và sẽ thắp hương tại Tượng đài không quân Việt Nam ở Sóc Sơn.
Theo Thanh Huyền (Báo Petrotimes)