Đã huy động 230.000 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống COVID-19

Thứ Hai, 29/05/2023 09:40  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sáng 29/5, báo cáo tại Kỳ họp thứ 5 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thay mặt Đoàn giám sát trân trọng đề nghị Quốc hội ghi nhận những đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất của các tập thể, cá nhân cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Quyết liệt, kịp thời các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch

Theo báo cáo giám sát, dịch COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có, bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2019 và bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, gây ra hàng trăm triệu ca mắc và hàng triệu ca tử vong.

Tại Việt Nam, trải qua 4 đợt dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan nhanh, đợt dịch sau phức tạp, khó lường hơn đợt dịch trước, gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XV

Đến ngày 31/12/2022, cả nước ghi nhận 11.525.231 ca mắc, đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca nhiễm trên 1 triệu dân; tỷ lệ tử vong là 0,4%, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và xếp thứ 03/11 nước khu vực ASEAN.

Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch với các quyết sách chuyển hướng chiến lược phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Tại thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện, chưa có vắc - xin và thuốc điều trị thì áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, giãn cách xã hội, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

Trong giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 4, với chiến lược ngoại giao vắc - xin phù hợp, hiệu quả, nguồn vắc - xin cho công tác tiêm chủng quy mô lớn đã được đảm bảo, tỷ lệ bao phủ vắc - xin cao, công tác phòng, chống dịch chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với các biện pháp chuyên môn, khoa học phù hợp.

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời các biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh; kiên định quan điểm sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết và thực hiện mục tiêu “kép” phòng, chống dịch hiệu quả, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội; huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng đại dịch.

Từ thời điểm dịch COVID-19 mới xuất hiện cho đến khi dịch được cơ bản kiểm soát và bước vào giai đoạn bình thường mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 30/2021) với những quyết sách mạnh mẽ và cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ.

Huy động 230 ngàn tỷ đồng phòng chống dịch

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội do cơ quan nhà nước các cấp huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230 ngàn tỷ đồng, trong đó, năm 2020 là 25 ngàn tỷ đồng, năm 2021 là 120,6 ngàn tỷ đồng, năm 2022 là 84,4 ngàn tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Quốc hội ghi nhận những đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất của các tập thể, cá nhân cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Ngoài ngân sách Nhà nước, đã huy động từ các nguồn khác được khoảng 43,6 ngàn tỷ đồng (năm 2020 là 1 ngàn tỷ, năm 2021 là 34,7 ngàn tỷ, năm 2022 là 7,9 nghìn tỷ đồng), gồm: nguồn viện trợ nước ngoài 14.873,8 tỷ đồng bằng tiền, vắc - xin, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất của Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là vắc - xin, hàng hóa, vật tư y tế. Tổng số vắc - xin nhận từ các nguồn viện trợ của COVAX Facility, Chính phủ các nước và nhà tài trợ là 156.991.568 liều, tài trợ trong nước là 31.873.998 liều, tài trợ ngoài nước là 125.117.570 liều.

Quỹ vắc - xin phòng COVID-19 của Trung ương đã huy động được 10,6 ngàn tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng). Quỹ vắc - xin phòng COVID-19 của địa phương là 953,1 tỷ đồng.

Nguồn huy động đóng góp của ngân sách địa phương là 17.111,7 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được trên 15.015 tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã huy động khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó nguồn tài chính công đoàn là 5.639,3 tỷ đồng tập trung triển khai chính sách hỗ trợ công đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động nguồn lực hỗ trợ 400.000 máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, ưu tiên hộ có thành viên đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông để hỗ trợ theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Sử dụng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; trong đó có 1.000 tỷ đồng để thực hiện trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bố trí nguồn lực 1.700 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mua gạo dự trữ quốc gia để xuất cấp hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngoài ra, một số Bộ đã tiếp nhận số lượng lớn hiện vật từ nguồn xã hội hóa như: Bộ Y tế tiếp nhận 33,8 triệu viên thuốc điều trị COVID-19 và hàng ngàn túi thuốc F0, 2.496 máy thở chức năng cao, 4.530 máy thở thông thường, 2.294 hệ thống ô- xy dòng cao (HFNC), 1.031 Monitor theo dõi bệnh nhân, 23.138 máy đo độ bão hòa oxy trong máu, 2.052 máy tạo oxy, 63 xe phục vụ tiêm chủng lưu động, 63 xe tải phục vụ vận chuyển vắc - xin, 106 hệ thống Realtime PCR, trên 18 triệu test kháng nguyên nhanh và RT-PCR, 246 triệu bơm kim tiêm, 108 tủ lạnh âm sâu, 2 triệu hộp an toàn...

Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận 14.400.499 đơn vị hiện vật; Bộ Công an đã tiếp nhận hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch tương đương 66,09 tỷ đồng.

Trong thời điểm dịch bùng phát, diễn biến phức tạp, đã có hàng triệu tình nguyện viên là thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, sinh viên, học sinh; cán bộ xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư…vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phòng, chống dịch.

Riêng đợt dịch thứ 4, chỉ trong thời gian ngắn đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của các ngành y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu cho TP Hồ Chí Minh.

Ngành y tế huy động trên 22.000 lượt cán bộ tham gia phòng, chống dịch. Riêng Bộ Y tế đã huy động nhân lực của 39 đơn vị trực thuộc Bộ tham gia hỗ trợ cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực phía Nam và phục vụ hoạt động của các Trung tâm Hồi sức tích cực do Bộ Y tế thành lập tại các tỉnh phía Nam với số lượng 8.967 người. Các địa phương đã cử trên 4.429 lượt cán bộ y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam theo 4 đợt.

Bộ Công an tăng cường hàng ngàn trinh sát an ninh của Bộ nắm tình hình địa bàn cơ sở; điều động 11.603 cán bộ, chiến sỹ các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường an ninh, trật tự phòng, chống dịch ở các địa phương; 1.373 cán bộ y tế, 8.042 cán bộ, chiến sỹ, học viên các Học viện, trường Công an nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công an các địa phương triển khai hơn 3,3 triệu lượt cán bộ chiến sỹ làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại hơn 310.000 tổ, chốt, khu vực phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến; hơn 560.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia truy vết, khoanh vùng phòng, chống dịch...

“Đoàn giám sát trân trọng đề nghị Quốc hội ghi nhận những đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất của các tập thể, cá nhân cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, không thể thống kê, báo cáo hết được; là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; cổ vũ, động viên, giúp mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch COVID-19”- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang