Tháo gỡ thủ tục visa là "chìa khoá" giúp du lịch cất cánh

Thứ Bảy, 27/05/2023 18:01

|

(CAO) Việt Nam đang xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, vì thế cần phải cải cách thủ tục hành chính để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, đồng thời công dân Việt Nam đi nước ngoài cũng dễ dàng hơn.

Chiều 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thống nhất với các căn cứ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung của dự luật, các đại biểu nhìn nhận, việc sửa các luật về xuất nhập cảnh lần này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn…

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu ý kiến thảo luận tại tổ chiều 27/5

Trao đổi với tính cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bình luận, việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp trong tình hình hiện nay, khi nước ta đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến tới xây dựng Chính phủ số, công dân số.

“Hiện nay mới đang thí điểm cấp thị thực điện tử. Qua thí điểm cho thấy việc này đã tạo điều kiện tối đa cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nên cần có quy định mới phù hợp hơn” – bà Xuân phân tích.

Với việc Việt Nam đang xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, đại biểu của Đắk Lắk chỉ ra, cần phải cải cách thủ tục hành chính để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, đồng thời công dân Việt Nam đi nước ngoài cũng dễ dàng hơn.

Chung góc nhìn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhận xét, nhiều quy định tại dự thảo Luật rất tiến bộ, đổi mới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thằng (Hưng Yên)

“Việc người dân có thể nộp giấy tờ để cấp hộ chiếu bằng điện tử; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn... sẽ giúp tiết kiệm chi phí về xuất nhập cảnh, phù hợp thực tiễn và tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam” – ông Thắng nói.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng cấp hộ chiếu phổ thông cũng tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài ở Việt Nam không có hộ chiếu có thể về nước theo nhu cầu.

Tương tự, quy định về cấp thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước, hay tăng thời hạn thị thực lên tối đa 90 ngày, được đại biểu của Hưng Yên nhìn nhận, là sự đổi mới, cải cách hành chính trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, mở cửa, tạo điều kiện thu hút khách quốc tế vào Việt Nam du lịch và đầu tư.

“Các bộ ngành liên quan cần phối hợp đưa ra hướng dẫn để các chính sách này được thực thi ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua” – ông Thắng đề nghị.

Còn đại biểu Hà Phước Thắng (TPHCM) kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.

Đại biểu Hà Phước Thắng (TPHCM) thảo luận tại tổ 

“Số ngày này chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, như Singapore 30-90 ngày; Malaysia là 14-90 ngày; Myanmar 28-70 ngày; Philippines 30-59 ngày; Thái Lan 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14-30 ngày” – ông Thắng dẫn chứng và đặt vấn đề: "Chúng ta có thể xem xét nâng thời hạn tạm trú lên 60 hoặc 90 ngày để tạo điều kiện tối đa trong thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch".

“Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá quan trọng giúp du lịch cất cánh” - đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nêu quan điểm khi cho ý kiến về dự luật. Theo ông Hùng, Chính phủ nên quy định chi tiết mở rộng nhiều nhất có thể danh sách các nước được mở rộng thời gian lưu trú, đăng ký visa trực tuyến.

Ông cũng đề nghị cơ quan quản lý nâng cấp, cải thiện hệ thống đăng ký visa trực tuyến để người có nhu cầu khi sử dụng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.

Vị Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị mở rộng thêm các đối tượng cấp visa với chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)

Cũng nhất trí cao với các nội dung bổ sung, sửa đổi của dự luật, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) lưu ý, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, do đó, để bảo đảm sự đồng bộ giữa nền kinh tế mở và cư trú của người nước ngoài, cần có quy định về mặt thể chế để đảm bảo đồng bộ, nếu không sẽ có sự cản trở trong phát huy ưu thế của nền kinh tế mở.

Chỉ ra Việt Nam cũng có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, việc thuận lợi cho điểm trung chuyển hành khách cho các cảng hàng không, đại biểu Thành khẳng định rất cần thiết sửa đổi quy định về xuất cảnh, nhập cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Thành cũng nhận định, quy định về thị thực điện tử có giá trị nhiều lần là rất cần thiết đối với du khách đi Việt Nam và qua các quốc gia khác để du lịch.

“Việc này tránh được những phiền toái khi cấp lại thị thực và cũng phù hợp với luật pháp quốc tế” – ông Thành nhìn nhận.

Tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang