(CAO) Các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho người nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung...
Sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sửa luật, theo Bộ trưởng, cũng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Nêu nội dung sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, đối với luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, luật sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, dự luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Dự luật cũng cho phép bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc sáng 27/5
Với luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, luật sửa đổi để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Cạnh đó, Chính phủ đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.
Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao, cho rằng đề xuất trên phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu đến Việt Nam dài ngày của người nước ngoài tăng lên, nhất là đối với nhà đầu tư, khách du lịch.
“Quy định 45 ngày cũng chỉ ở mức trung bình của các nước trong khu vực, đơn cử như Singapore 30-90 ngày; Malaysia là 14-90 ngày; Myanmar 28-70 ngày; Philippines 30-59 ngày; Thái Lan 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14-30 ngày” – cơ quan thẩm tra phản ánh.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
“Các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung” - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu quan điểm của Uỷ ban Quốc phòng – An ninh.
Khái quát lại, Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
“Việc xây dựng dự án Luật đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định của dự thảo Luật phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn” - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ.