Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi):

Nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng online

Thứ Sáu, 26/05/2023 15:11

|

(CAO) Đã xuất hiện những hành vi sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng.

Tại phiên họp toàn thể ngày 26-5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thông tin, dự thảo lần này đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung; quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số.

Bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số…

Đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu ý kiến thảo luận

Quá trình thảo luận, dự luật tiếp tục nhận được nhiều ý kiến để hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý trong bảo vệ người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) ghi nhận, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng…

Các biện pháp bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi có sự cố xảy ra do hàng hóa có khuyết tật hoặc do thông tin sai lệch cũng được quy định cùng các biện pháp xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bà Thu lo ngại, trên thực tế, việc xác định và xử lý các trường hợp lừa dối người tiêu dùng gặp không ít khó khăn và thách thức. “Dự thảo luật chưa có quy định về cơ sở để đánh giá xem có hay không có sự lừa dối người tiêu dùng trong các trường hợp cụ thể” - đại biểu Thu nhận xét.

Theo đại biểu, việc đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không nên dựa trên các mức độ nhận thức và khả năng nhận dạng của người tiêu dùng thông thường và có thể căn cứ vào nội dung, hình thức, phương thức, phạm vi và thời gian của thông tin được cung cấp cho người tiêu dùng.

Căn cứ nữa, theo bà Thu, là mức độ sai lệch hoặc thiếu sót của thông tin so với thực tế.

Ba là, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch và mức độ nhận thức, khả năng nhận dạng của người tiêu dùng thông thường đối với thông tin sai lệch hoặc thiếu sót.

“Việc quy định cụ thể về các tiêu chí này sẽ là điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn” - nữ đại biểu bình luận.

Đại biểu Thu cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Chia sẻ góc nhìn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng an toàn như đã cam kết theo quy định.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc tham gia thảo luận

Bà Phúc kiến nghị xem xét, bổ sung các quy định về việc tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải thực hiện các biện pháp giám sát, phản biện, cảnh báo cho người tiêu dùng, về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và quy định thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng số những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những vấn đề quan trọng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.

Tuy nhiên, đại biểu Tám phản ánh, đã xuất hiện những hành vi sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

Đại biểu Tô Văn Tám 

“Giữa những bủa vây của thông tin giả như vậy thì người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người tiền mất, tật mang vì những thông tin sai lệch, mạo danh như thế” - đại biểu Tám bức xúc và đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch.

Đề cập đến việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá, thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm ngày càng chất lượng cao hơn.

Dù vậy, theo đại biểu, còn nhiều trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như quy định, người dân phát hiện và phản ánh với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, việc kiểm tra, xác minh chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp rất lâu, biện pháp khắc phục chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật và các điều kiện mà người bán hàng đã cam kết trách nhiệm…

Vì lẽ trên, ông Thông đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định ràng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có hàng hóa khuyết tật, sản phẩm bị lỗi thì phải bồi thường cho người tiêu dùng trong một thời gian nhất định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang