Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Cần phải có dự trữ quốc gia về thuốc hiếm

Thứ Sáu, 26/05/2023 12:04

|

(CAO) Chuyện rủi ro có thể xảy ra, nhưng khi xảy ra thì phải có thuốc để cấp cứu kịp thời. Rất tiếc là chúng ta không ở hoàn cảnh như vậy.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 26-5 về vụ ngộ độc Botulium xảy ra ở TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, rủi ro có thể xảy ra, nhưng khi xảy ra thì phải có thuốc để cấp cứu kịp thời.

“Rất tiếc là chúng ta không ở trong hoàn cảnh như vậy, vì chúng ta không có thuốc” – bà Lan nói.

Theo bà Lan, mặc dù Bộ Y tế, các Viện đã vào cuộc; Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng phối hợp với TP.Thủ Đức để đưa ra kết luận ngộ độc Botulium nhưng đã qua “thời gian vàng”.

“Rõ ràng nếu chúng ta có sẵn thuốc này để dự trữ thì chúng ta đã cứu được bệnh nhân” - nữ đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) 

Theo bà Lan, đây không phải là lần đầu thiếu thuốc. "Thiếu triền miên từ trước đến nay rồi, không chỉ riêng thuốc này. Rồi huyết thanh chó dại lâu lâu lại hết”, bà Lan nói.

Nêu nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu của TPHCM thông tin, do từ trước đến nay các bệnh viện thường hay đón nhận cấp cứu thì hay dự trù hàng năm về các loại thuốc này.

“Nhưng mà mua về thì đối diện nguy cơ chậm có, do thủ tục rất phức tạp, rồi xin số đăng ký của Bộ Y tế. Rồi các doanh nghiệp đứng ra nhập thuốc này, nhập có bao nhiêu đâu, chủ yếu là quan hệ với bệnh viện” – bà Lan phản ánh. Thế là có những bế tắc, khó khăn về số đăng ký.

Khi mua về xong rồi thì sao, bà Lan kể, nếu may mắn không có bệnh nhân nào dùng, thì thuốc có hạn phải hủy, nhưng những loại này lại rất đắt tiền.

Để tránh những việc tương tự xảy ra, bà Lan nói, không có cách nào khác là phải dự trữ quốc gia về thuốc này, thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulium, và một số sản phẩm khác.

“Theo tôi, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng trên cả nước là bao nhiêu trường hợp, để dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể là ở Hà Nội và TPHCM. Khi có vụ việc ta sẽ điều chuyển thật gấp, và phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có ai bị, mừng quá thì hủy cũng không tiếc tiền” - đại biểu Lan nêu quan điểm.

Lý giải vì sao những loại thuốc này đắt, đại biểu Lan chỉ ra vì nó hiếm, sản xuất số lượng hạn chế, thành ra để bù lại thì những chi phí kèm theo rất cao, mà cũng không phải lúc nào cũng sử dụng.

“Chính phủ phải có chính sách, chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như cúm A, dự trù Tamiflu, dự trù xong sau đó lại kết luận Bộ Y tế lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ” - đại biểu bình luận.

Nói về việc thành lập 3 trung tâm thuốc hiếm ở 3 vùng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lưu ý, chuyện này nên nhìn nhận một cách đơn giản. “Thành lập trung tâm này, trung tâm kia kéo theo đề án xét duyệt sao, nhân sự như thế nào, trực thuộc đơn vị nào. Vấn đề là tiền đâu, hàng năm phải có bộ phận đôn đốc cái này, điều chuyển thuốc như thế nào, gần hết hạn thì phương hướng xử lý thế nào” – bà Lan phân tích.

Chưa hết, các thuốc sẽ có thời hạn khác nhau thì phải sử dụng thuốc sắp hết hạn trước, điều phối cái này rất đơn giản, thậm chí có thể giao cho một bệnh viện làm đầu mối, không nên sa đà vào những quy trình tổ chức.

“Theo tôi là tổ chức ở hai nơi Hà Nội và TPHCM thôi, lấy kho BV Chợ Rẫy để lưu trữ, còn ở Hà Nội sử dụng bệnh viện nào lớn thuộc Bộ. Đây là chương trình quốc gia, Sở y tế các tỉnh, thành phải biết được về việc dự trữ đó, nếu lỡ bệnh nhân xảy ra thì điều chuyển về” – bà Lan nói. Còn việc thành lập trung tâm, tính toàn bộ các chi phí thì “còn quá tiền thuốc”.

“Dự trữ quốc gia phải có, bắt buộc khi cần phải có. Không xảy ra, không cần là tốt hơn. Giống như đóng bảo hiểm, đâu có ai bao nhiêu năm ngẫm lại, uổng quá mình chưa xài bao giờ, thôi ráng bệnh đi để xài” – bà Lan nhấn mạnh.

Về tính toán dự phòng, đại biểu Lan cho rằng, Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì sẽ nhìn tổng thể hơn; đồng thời, phải có một chủ trương, cơ sở pháp lý để anh em yên tâm làm.

Quay lại với những trường hợp ngộ độc kể trên, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phệm TPHCM lưu ý, khi mối nguy rình rập ở khắp nơi, cần phải khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm phải còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần, đó cũng là nguy cơ có vi khuẩn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang