Thảo luận Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX: Phải có “vốn mồi” của ngân sách

Thứ Năm, 10/11/2022 15:15

|

(CAO) Sáng 10/11, các ĐBQH đã thảo luận về Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được quy định tại dự luật Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự luật quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoặc tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn.

Quỹ này được hình thành nhằm thực hiện các chức năng như: cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư với các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước…

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu ý kiến thảo luận

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) yêu cầu cần làm rõ hơn về nguồn vốn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ, để tránh chồng chéo, trùng lắp với hoạt động của ngân hàng, quỹ tín dụng.

“Quy định quỹ được huy động vốn và cho vay trong các thành viên có thể bị chế tài theo quy định của ngân hàng không?” - đại biểu nêu câu hỏi.

Theo đại biểu Hoà, nếu có hiệu quả thì tốt, nhưng không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm? Ngành ngân hàng thì Nhà nước có can thiệp, hỗ trợ, còn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ ra sao nếu xảy ra ra sự cố?.

Đại biểu cũng nhận xét, dự thảo luật quy định về hoạt động tín dụng nội bộ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân “mờ nhạt, chưa cụ thể, rõ ràng”. Ông cho rằng, thực tiễn, hoạt động huy vốn và cho vay này “rất bất cập” bởi không chỉ trong thành viên hợp tác xã mà cả ngoài thành viên.

"Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trong cả nước, ngân hàng quản lý rất chặt chẽ mà còn khó khăn, nay cho thành lập quỹ tín dụng nội bộ thì lại càng khó khăn hơn, dè chừng hiệu ứng domino cho các quỹ tín dụng nhân dân" – ông Hoà băn khoăn.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), Hà Hồng Hạnh (Khánh Hoà) cũng đề nghị làm rõ vai trò, chức năng đơn vị quản lý quỹ hỗ trợ, để tránh chồng chéo trong quản lý nguồn quỹ và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) thảo luận

"Đây là quỹ có hoạt động tín dụng uỷ thác chứ không phải quỹ ngoài ngân sách, nên các quy định về cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cần rất cân nhắc" - đại biểu Trần Thị Hiền nhìn nhận.

Vẫn theo đại biểu của Hà Nam, Chính phủ cần xem xét có nên để quỹ này tồn tại hay không, nếu có thì phải có sự đóng góp “vốn mồi” của ngân sách để đảm bảo hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phản ánh, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay được nhận hỗ trợ, bảo lãnh từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự đầu tư của Nhà nước, nhưng “hiệu quả không cao”.

Với việc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã lại không có vốn mồi của Nhà nước, ông Thân nhận định, “lại càng không thành công”. Dó đó, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên để quỹ này tồn tại hay không, nếu để tồn tại thì phải có “vốn mồi” của ngân sách Nhà nước.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tính hợp lý của các quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Luật Hợp tác xã được Chính phủ trình lần đầu tại kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào giữa năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang