Giải đáp về đăng ký thường trú, căn cước công dân cho người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ Sáu, 29/09/2023 16:58  | Lê Ngân

|

(CAO) Ngày 29/9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đăng ký thường trú, căn cước công dân (CCCD) cho đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự hội nghị có bà Đinh Thị Phương Thảo- Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM; Thượng tá Hồ Thị Lãnh- Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Công an TP.HCM; bà Trần Thị Hồng Yến- Phó phòng hộ tịch, quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM.

Ngoài ra, còn có 50 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại TPHCM, các thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài cùng đại biểu tham dự trực tuyến từ 5 điểm cầu là: Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu; các Hội, đoàn người Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia.

Bà Đinh Thị Phương Thảo- Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đinh Thị Phương Thảo- Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là hoạt động cần thiết để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức đầy đủ, đúng đắn chủ trương, quan điểm, định hướng và chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

Theo ban tổ chức, trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng trở về quê hương để học tập, đầu tư kinh doanh và sinh sống ổn định tại Việt Nam; nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ nguyện vọng được cấp căn cước công dân để thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, dịch vụ công tại Việt Nam.

Thông qua Hội nghị, ban tổ chức mong muốn thông tin đến đại biểu các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục đăng ký thường trú và cấp căn cước công dân dành cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM.

Tại Hội nghị, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài tại TP được Công an TPHCM và Sở Tư pháp TP thông tin những quy định liên quan đến đăng ký thường trú và thủ tục cấp căn cước công dân. Ngoài những câu hỏi liên quan đến thường trú và cấp căn cước công dân, nhiều đại biểu cũng đặt những câu hỏi liên quan đến nội dung như xác nhận nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch, hồi hương,…

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu- Đội trưởng đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD giải đáp thông tin

Trao đổi một số thông tin, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu- Đội trưởng đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD, cho biết để được cấp CCCD thì người dân phải đăng ký thường trú theo Luật cư trú, còn trường hợp chưa đăng ký thường trú và chỉ đăng ký tạm trú thì chưa được cấp.

Với những câu hỏi của kiều bào liên quan đến vấn đề đăng ký thường trú, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết nếu công dân có hộ chiếu Việt Nam thì liên hệ cấp xã để làm thủ tục. Trong đó, nếu nhà chính chủ thì xuất trình giấy tờ và đăng ký thường trú. Với trường hợp nhà thuê, mượn, ở nhờ thì làm hợp đồng thuê, mượn. Nếu sau khi làm đăng ký thường trú nhưng căn nhà đó được chủ nhà bán đi thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Trường hợp này thì kiều bào có thể chuyển nơi đăng ký thường trú hoặc cập nhật lại nơi ở hiện tại.

Trả lời câu hỏi liên quan đến kiều bào rời Việt Nam đã thay tên đổi họ, bà Trần Thị Hồng Yến- đại diện Sở Tư Pháp TP.HCM giải đáp, để tạo điều kiện cho kiều bào thì hiện nay đã có Luật quốc tịch cũng như những văn bản hướng dẫn về thủ tục làm xác nhận nguồn gốc Việt Nam. Đối với những kiều bào xuất cảnh ra nước ngoài thì có thể liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban người Việt Nam Bộ Ngoại giao để xác nhận nguồn gốc Việt Nam.

Về việc xác nhận quốc tịch Việt Nam thì kiều bào có thể liên hệ cơ quan, đại diện Ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, kiều bào đã về nước thì liên hệ Sở Tư pháp tại nơi cư trú để làm thủ tục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang