Lợi ích thiết thực của căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử:

Bài cuối: 25 dịch vụ công tạo đột phá

Thứ Sáu, 29/09/2023 12:12

|

(CATP) Thực hiện 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo Đề án 06, sử dụng DVC trực tuyến là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng, tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại…

Các dịch vụ công thiết yếu

Người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến còn tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính. 25 DVC thiết yếu của Phụ lục 1 Đề án 06 coi đây là bước đột phá trong thực hiện Đề án 06, bao gồm: Xác nhận số Chứng minh nhân dân (CMND) khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD); Cấp lại, đổi thẻ CCCD; Đăng ký (ĐK) thường trú; ĐK tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; ĐK, cấp biển số môtô, xe gắn máy; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); ĐK khai sinh, khai tử; ĐK kết hôn; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã ĐK mẫu dấu.

Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã ĐK mẫu con dấu; Liên thông ĐK khai sinh, ĐK thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông ĐK khai tử - Xóa ĐK thường trú – Trợ cấp mai táng phí; Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; ĐK thuế lần đầu, ĐK thay đổi thông tin ĐK thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; ĐK biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; ĐK dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Cấp phiếu lý lịch tư pháp; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện).

Về điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công dân (CD) phải được cấp số định danh cá nhân, có thuê bao điện thoại di động chính chủ, tài khoản ngân hàng (không bắt buộc), sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Đối với CD dưới 14 tuổi thì cấp định danh điện tử (ĐDĐT) theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

Cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM thực hiện cấp CCCD cho người dân

Người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia

Thời gian qua, Công an TPHCM đã tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 DVC thiết yếu nêu trên, hiện Công an TPHCM đã ban hành Kế hoạch tiếp tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho toàn bộ CD trên địa bàn, kết hợp tổ chức cấp tài khoản ĐDĐT cho người dân để thực hiện các thủ tục DVC trực tuyến. Do vậy, Công an TPHCM đề nghị người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia làm CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản ĐDĐT (trên ứng dụng VNeID) để giao dịch nhằm mang lại lợi ích cho CD, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, CD số.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho CD, Công an TPHCM đã và đang triển khai cấp ĐDĐT cho CD tại trụ sở Công an phường, xã, thị trấn, quận, huyện và TP.Thủ Đức theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Hiện nay, CD thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng việc sử dụng CCCD gắn chíp, theo Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Theo đó thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an từng bước thực hiện đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về BHYT trong dữ liệu về CCCD. Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNeID. Trong đó cần lưu ý một số nội dung sau: Cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID (chỉ áp dụng đối với CD đã đăng ký thành công tài khoản ĐDĐT do Bộ Công an cung cấp).

Công an phường tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp

Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp: trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR) hoặc qua ứng dụng VNeID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNeID. Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: cần giải thích để người bệnh biết tình trạng thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Quyết tâm của toàn lực lượng Công an

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh Covid-19, qua đó thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Công an, thật sự tạo dấu ấn cho người dân, xã hội. Nhìn lại dấu mốc này, trong thời gian qua, có thể nói lực lượng CAND đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp CCCD. Đây là những công việc chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng với sự quyết tâm của toàn lực lượng, 2 dự án đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội.

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ chiến dịch này, từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các Bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng tình ủng hộ của người dân... Nhưng điều đáng nhớ nhất, đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, cống hiến của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an cả nước không quản ngại ngày đêm, khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư, cấp CCCD... Tất cả đều cùng nhau thống nhất nhận thức, hành động, xem đây là "trách nhiệm và danh dự" của lực lượng CAND, để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Cảnh sát khu vực mang CCCD gắn chíp đến nhà trao tận tay cho người dân

Bộ Công an cũng đã nhận được sự chung tay góp sức của người dân và các doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng để Bộ Công an hoàn thành xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Có thể nói, người dân trên khắp cả nước đã rất nhiệt tình tham gia cung cấp thông tin, tham gia làm CCCD, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như: VNPT, Tecapro, Gtel ICT... đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng bảo đảm theo đúng các tiêu chí nêu trên, sẵn sàng cao nhất phục vụ người dân và xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu và cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn thành phố, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì nhân dân phục vụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai DVC trực tuyến của lực lượng Công an các cấp với phương châm nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả. Quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM.

Bài 3: Biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang