(CATP) Bộ Công an đề nghị người dân chú ý bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ” tự xưng cơ quan Nhà nước, lực lượng công an. Nếu nhận được những cuộc gọi như trên, đề nghị người dân gọi đến số Hotline 1900.0368 hoặc thông báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bảo mật thông tin
Về trường hợp công dân (CD) có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) trên nhiều thiết bị cùng lúc, thì theo quy định tài khoản ĐDĐT của CD chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm, nên CD không thể sử dụng tài khoản ĐDĐT trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm. Đối với vấn đề cần chú ý điều gì nếu muốn sử dụng xác thực bằng vân tay/nhận dạng khuôn mặt cho ứng dụng ĐDĐT quốc gia (VNeID), CD cần nhập mật khẩu của tài khoản ĐDĐT vào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị, từ những lần sau CD có thể sử dụng vân tay/ảnh mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng.
Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, CD sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay/ảnh mặt và mã passcode (chỉ CD mới biết). Mật khẩu tài khoản của CD được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần). CD cần bảo đảm thiết bị chỉ có vân tay/khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay/ khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và cần nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.
Khi điện thoại vô tình bị cài các ứng dụng độc hại, dữ liệu cá nhân của CD hiển thị trên ứng dụng VNeID có thể bị truy cập bất hợp pháp không? Công an TPHCM cho biết, các dữ liệu về ĐDĐT không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID của CD nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Chỉ khi CD đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và CD hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần).
Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý. Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của CD, phải được CD cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép. Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công...) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của CD trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của CD.
Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin CD sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao, CD không nên cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị đang sử dụng ứng dụng ĐDĐT.
Tổ công tác lưu động Công an TPHCM đến tận nhà làm căn cước công dân cho những người có khó khăn về đi lại
Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của CD luôn bảo đảm an toàn, bởi Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống ĐDĐT quốc gia. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, CD có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng VNeID, hoàn toàn bảo đảm, bảo mật thông tin.
Giao dịch an toàn
Ứng dụng ĐDĐT quốc gia có rất nhiều tính năng được Bộ Công an cung cấp đến người dân. Trong đó CD khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. CD có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR hoặc sử dụng giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. CD có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà CD đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... CD có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền... Tất cả quy trình thực hiện giao dịch, CD có thể chủ động kiểm soát an toàn, được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo.
Tại TPHCM có nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về ứng dụng định danh điện tử
Khi CD muốn sử dụng tài khoản ĐDĐT trên thiết bị mới, có thể đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ, CD nhập mã này vào thiết bị mới để thực hiện xác thực, bảo đảm chính xác nhu cầu truy cập. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới, tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của CD. Trường hợp CD quên mật khẩu đăng nhập, trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia sẽ hỗ trợ CD chức năng để thiết lập lại mật khẩu theo nhiều hình thức như qua SMS OTP, Email, câu hỏi bảo mật. Để bảo đảm an toàn cho tài khoản ĐDĐT, CD cần chú ý không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác. Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị. Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức, thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.
Về thời hạn sử dụng của tài khoản ĐDĐT, có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chíp, các loại giấy tờ mà CD cung cấp từ hệ thống sẽ in phiếu đăng ký, trong đó bao gồm các thông tin tích hợp để CD ký chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin. Việc đăng ký tài khoản ĐDĐT là miễn phí. Một số điện thoại chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số CCCD để xác thực OTP. Ứng dụng ĐDĐT quốc gia có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại. Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng ĐDĐT quốc gia sẽ thông báo yêu cầu CD cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Công an TPHCM tuyên truyền về tài khoản định danh điện tử
Công an TPHCM từ lâu đã tuyên truyền về tình trạng CD nhận được cuộc gọi "lạ” tự xưng cán bộ công an yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... để cấp tài khoản ĐDĐT. Việc này hoàn toàn là lừa đảo, CD tuyệt đối không thực hiện theo những yêu cầu của các đối tượng để tránh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Hiện nay, người dân có thể đăng ký cấp tài khoản ĐDĐT qua ứng dụng VNeID hoặc đến trực tiếp cơ quan công an để thực hiện. Cán bộ công an sẽ không gọi điện yêu cầu CD cung cấp thêm thông tin cá nhân hay bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của CD để giả mạo cơ quan chức năng gọi điện cho người dân yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo cơ quan Nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại... Sau đó, những đối tượng này dùng thông tin trên đăng nhập các ứng dụng Ngân hàng online, Momo, Zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản, người dân hết sức đề phòng, cảnh giác.
(Còn tiếp...)
(CATP) Công an TPHCM cho biết, đối với CD, cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chíp còn hiệu lực. Trường hợp CD mất hoặc quá hạn thẻ có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp TKĐDĐT kèm cấp CCCD gắn chíp tại cơ quan công an (CA), chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà CD muốn đăng ký tích hợp vào TKĐDĐT để cung cấp cho cơ quan CA.