Trong phiên làm việc hôm qua, 27/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trình bày báo cáo này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, các tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần, 8 tháng tăng 3,1%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng và hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 69,4% dự toán, phấn đấu cả năm đạt 100% dự toán được giao khi thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước, cán cân thương mại 8 tháng năm 2023, xuất siêu 20,19 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ cân đối cung cầu ngoại tệ...
"Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi" - ông Trung nhận định. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, Bộ KH-ĐT dự tính cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông Trung cho biết, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, dựa trên chỉ tiêu 5 năm 2021 - 2025 Quốc hội đã thông qua. "Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023" - ông Trung phản ánh.
Quang cảnh phiên họp
Trong bối cảnh đó, mục tiêu của kế hoạch năm sau được Thứ trưởng báo cáo là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Ghi nhận nỗ lực điều hành của Chính phủ, song ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, còn có những vấn đề đáng lo ngại chưa được làm rõ trong báo cáo. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao, tốc độ thành lập doanh mới giảm. "Năm 2023 đáng ra là giai đoạn quan trọng để doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh hơn nữa" - ông Tuấn nói.
Nhắc lại mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân là năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, ông Tuấn lưu ý, với tiến độ thành lập doanh nghiệp mới như thế này thì mục tiêu lớn như vậy rất khó đạt được. Điều này, theo ông Tuấn, cũng là tín hiệu dự báo về việc làm, ngân sách trong thời gian tới.
Điểm đáng lưu ý nữa là giảm xuất nhập khẩu, cả ở khối doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt giảm rất nhiều ngành hàng quan trọng của Việt Nam như điện tử, dệt may, thủy sản...
Vấn đề lớn nữa với doanh nghiệp được ông Tuấn nêu, là việc hoàn thuế, là lãi suất ngân hàng. Ông Tuấn khẳng định đã nhìn thấy những nỗ lực của Chính phủ, NHNN, các bộ ngành trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất xuống, nhưng trong nhiều lĩnh vực, chi phí lại tăng cao.
Nêu ý kiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin, cơ quan này đã rà soát quy trình thủ tục cho vay, phí, lệ phí và làm việc trực tiếp tới các ngân hàng, yêu cầu giảm, bỏ các chi phí không cần thiết, đơn giản thủ tục.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng dành nguồn lực cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm thủy sản với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi cho vay thông thường; gói cho vay tiêu dùng tại Agribank khoảng 5.000 tỷ đồng...
"Chỉ tiêu tín dụng năm nay là 14,5%, thực tế hết tháng 8 là tăng 5,5%, tức là dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn" - ông Hà nhìn nhận và khẳng định, NHNN đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sức hấp thụ của nền kinh tế khi tổng cầu yếu, là sức khỏe doanh nghiệp nên cần giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy tăng đơn hàng, mở rộng thị trường, đồng thời cần tăng cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phương án tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.