Nhiều thông tin bổ ích tại tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

Thứ Ba, 26/09/2023 16:30  | Mai Loan

|

(CAO) Sáng 26/9, tại Hà Nội, Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND) tổ chức toạ đàm, trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, gồm các dự luật Căn cước, dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND và Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp đồng chủ trì toạ đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong nhấn mạnh: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến thông qua: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, cho ý kiến: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong phát biểu khai mạc tọa đàm

Theo Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong: Để đảm bảo công tác tuyên truyền về các dự án luật cũng như đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, vị trí, vai trò quan trọng của các dự án luật đối với xã hội và công tác đảm bảo ANTT. Lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Truyền thông CAND, đơn vị đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo chính xác, kịp thời, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong đề nghị các đại biểu tại buổi tọa đàm tập trung trao đổi, làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách, nhất là những điểm mới, sửa đổi trong các dự án luật và những thủ tục liên quan tới việc đấu giá biển số xe ô tô... 

Sau buổi tọa đàm, Cục Truyền thông CAND sẽ có Kế hoạch tổ chức cho phóng viên đi thực tế tại các địa bàn cơ sở để phản ánh chân thực, khách quan, sinh động thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an để làm nổi bật tính cần thiết khi ban hành các dự án luật, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân...

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong yều cầu các cơ quan báo chí trong CAND chủ động mở các chương trình, chuyên mục, tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, talkshow... về các dự án luật. Phối hợp với các cơ quan báo chí ngoài lực lượng tăng cường trao đổi, chia sẻ chương trình, tin bài, hình ảnh, đồng thời gửi tới Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tiếp nhận, đăng phát trên chuyên trang, chuyên mục ANTT của báo, đài địa phương và cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị để truyền tải, làm rõ những nội dung trong các dự án luật, sự cần thiết và lợi ích của người dân, của xã hội khi các dự án luật được ban hành và sớm đi vào cuộc sống…

Để buổi tọa đàm đạt kết quả thiết thực, đề nghị các đồng chí Báo cáo viên tập trung truyền đạt những nội dung cốt lõi và giải đáp cặn kẽ, kịp thời những vấn đề báo chí, dư luận quan tâm để làm nổi bật tính cần thiết của các dự án luật. Đồng thời lưu ý trong quá trình tác nghiệp và đưa thông tin của phóng viên đảm bảo chính xác, khách quan, mang tính xây dựng cao, tuyệt đối không để trường hợp thông tin mập mờ, giật tít, câu view, câu like gây sự hoang mang, hiểu lầm cho người đọc, người xem. Kịp thời tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng việc Bộ Công an xây dựng, ban hành các dự án luật và thực hiện việc đấu giá biển số xe ô tô để chống phá, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND.

Tại toạ đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã giới thiệu về sự cần thiết phải ban hành các bộ luật; cung cấp, chia sẻ một số nội dung chính trong các dự thảo luật; giải đáp những vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 6, đang được dư luận quan tâm, như: Luật Căn cước; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên giới thiệu sự cần thiếu phải ban hành các luật

Cụ thể, về việc cần thiết phải ban hành Luật Căn cước, đổi tên căn cước công dân thành căn cước, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau gây khó khăn nhất định trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động xã hội; thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước công dân chỉ bao gồm 1 số nhóm thông tin, gây khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Thêm nữa, Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch…

Những hạn chế vừa nêu sẽ được khắc phục trong Luật căn cước, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện từ Luật Căn cước công dân 2014. Cụ thể như: Bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của công dân liên quan đến căn cước điện tử đầy đủ, chặt chẽ hơn… Khi Luật Căn cước được thông qua sẽ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ hiệu quả cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Phóng viên cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại tọa đàm

Đối với Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Việc kiện toàn lực lượng này không làm tăng chi ngân sách nhà nước và “phình” bộ máy. Dự án Luật cũng đã quy định rõ vị trí, chức năng của lực lượng này hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cơ sở.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết tách Luật Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh yếu tố động liên quan đến an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời cũng nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của đề xuất xây dựng dự luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng.

Tại tọa đàm, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến các dự thảo luật và được đại diện Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội thắng thắn trả lời, trao đổi cởi mở.

Trước câu hỏi của phóng viên về Điều 33 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe. Trả lời về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: Với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Còn với ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ đưa ra phương án khuyến khích, chưa bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trả lời những câu hỏi tại tọa đàm

Trả lời phóng viên về quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, cho rằng giấy phép lái xe trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET. Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID… Trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục đã tiếp thu theo quy định Công Ước Viên, phù hợp với hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang sử dụng giấy phép lái xe chưa đồng bộ với Công ước Viên. Dự thảo Luật quy định thay đổi phân hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên. Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những giấy phép lái xe quốc tế. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.

Cũng tại buổi tọa đàm, các thông tin liên quan đến việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô, vấn đề hiện đang được nhiều người dân quan tâm, cũng được đề cập và thảo luận. Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng cho biết: tính đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức được 4 buổi đấu giá biển số xe, tổng biển số đấu giá là 95 biển. Tổng số tiền dự thu là 133 tỷ 125 triệu đồng. Theo quy định, sau 15 ngày, người trúng đấu giá mới phải nộp tiền. Hiện tại, đã có 7 người nộp tiền sau khi trúng đấu giá biển số xe với số tiền là 10 tỷ 955 triệu đồng. 1 trường hợp ở Hải Phòng đã nộp tiền và gắn biển số trúng đấu giá. Với những trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, theo quy định Luật dân sự, quy định về đấu giá tài sản và Nghị quyết của Chính phủ, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc thì biển số xe đó sẽ được quay lại đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị mất tiền cọc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang