Đây là thông tin được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo đề án “Đầu tư- xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030” do Viện nghiên cứu phát triển TPHCM và UBND huyện Bình Chánh đồng tổ chức vào ngày 22/9/2023.
Cần nhanh chóng phát triển lên đô thị
Huyện Bình Chánh có 15 xã và 1 thị trấn nằm ở vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây và Nam TPHCM, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và cả Vùng Đông Nam Bộ. Khác với các huyện còn lại, Bình Chánh có tốc độ tăng dân số rất cao với quy mô dân số đạt hơn 800.000 dân vào năm 2022.
Hội thảo đề án “Đầu tư- xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030”
Do vị trí tương đối gần trung tâm TP, thời gian qua, dân cư các tỉnh khác đã di chuyển đến cư ngụ, sinh sống, tập trung nhiều ở các xã huyện Bình Chánh, gây ra hệ lụy về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống giảm sút. Với hơn 14.516 hecta đất nông nghiệp, chiếm 57,45% diện tích toàn huyện, Bình Chánh gặp khá nhiều khó khăn trong việc đô thị hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế. Với hình thức canh tác truyền thống là chủ yếu, hoạt động sản xuất nông nghiệp trở nên kém hiệu quả.
Đồng thời với đặc điểm chất lượng đất, điều kiện khí hậu và ảnh hưởng môi trường của các khu công nghiệp và đô thị lân cận làm cho năng suất và chất lượng của các hoạt động nông nghiệp suy giảm, thậm chí nhiều khu vực bỏ hoang, khiến cho năng lực cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp của khu vực này kém so với các vùng nông nghiệp khác, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất là cấp thiết.
Đặc biệt, cơ chế quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy của xã, huyện không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Nhiều xã trên địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, dẫn đến hệ thống chính trị ở địa phương vừa thực hiện theo yêu cầu quản lý, chỉnh trang đô thị, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nông nghiệp, nông thôn, nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền tại các xã này nói riêng, huyện Bình Chánh nói chung, không còn phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay. Thực tế này, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý phù hợp, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Lên thành phố khả thi hơn lên quận
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhu cầu đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh từ đơn vị hành chính nông thôn chuyển lên đơn vị hành chính đô thị là vấn đề đặt ra bức thiết, cần triển khai sớm hơn các huyện khác tại TP.HCM. Tuy nhiên, qua rà soát, đối chiếu đánh giá các tiêu chí thực trạng huyện Bình Chánh thì đến năm 2025, địa phương này khó thành quận vì huyện Bình Chánh còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường.
Ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh phát biểu tại hội thảo
Trong khi đó mô hình “thành phố trong thành phố” sẽ phù hợp và mang tính khả thi do huyện Bình Chánh sẽ đáp ứng tiêu chí đô thị loại III trong giai đoạn 2021- 2030 và vẫn giữ lại 4 xã nông nghiệp là xã Đa Phước, Hưng Long, Qui Đức và Bình Lợi. Còn lại 12/16 xã, thị trấn hiện nay sẽ được chuyển thành đơn vị hành chính cấp phường.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Lan – cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho biết hiện Bình Chánh còn 7 tiêu chí trong phân loại đô thị loại III chưa đạt gồm tỉ lệ đất giao thông so với đất đô thị; mật độ đường giao thông; mật độ đường cống thoát nước chính; quy chế quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị; công trình xanh; khu chức năng đô thị - khu đô thị mới... Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy việc chuyển đổi huyện Bình Chánh lên đô thị loại III (mô hình thành phố thuộc thành phố) có khả năng trở thành hiện thực vào năm 2025.
Đồng tình với lựa chọn phát triển Bình Chánh theo mô hình “thành phố trong thành phố”, Tiến sĩ Dư Phước Tân, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết với định hướng mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đến năm 2030, huyện Bình Chánh trở thành “đô thị phức hợp”, hướng đến việc hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng TPHCM, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, trong đó các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch làm nền tảng.
Ông Trần Văn Nam – Bí Thư huyện ủy Bình Chánh cũng khẳng định quyết tâm của địa phương này phát triển theo mô hình thành phố trong thành phố. “Chúng ta cần hướng đến TP.Bình Chánh là một thành phố phức hợp với công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, nông nghiệp đô thị ứng dụng dựa trên địa lý, văn hóa và cơ cấu kinh tế hiện nay”, ông Nam nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng nhìn nhận việc thành lập TP Bình Chánh thuộc TP.HCM và thành lập các phường thuộc TP Bình Chánh không những giải quyết được những khó khăn, bất cập hiện tại về cơ cấu tổ chức bộ máy, công tác quản lý nhà nước, mà còn là điều kiện cần thiết để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương và phù hợp với tiềm năng phát triển của huyện.
“Do đó, trong thời gian tới, huyện cùng Viện Nghiên cứu phát triển sẽ đề xuất, trình UBND TPHCM về việc cần thiết phải có một Nghị quyết chung cho Bình Chánh, trong đó xác định rõ Bình Chánh cần thực hiện các công việc gì trong thời gian tới. Trước mắt việc lên TP cần được nhận thức thống nhất, hành động thống nhất trong huyện, đồng thời gắn kết với sở ngành thực hiện các công việc, phân kỳ ra thực hiện các giai đoạn. Trên cơ sở đó tính toán tập trung thực hiện cái gì trước, cái gì sau”, ông Nam nói.