Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết giám sát của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ thông tin về các giải pháp bình ổn giá điện, bảo đảm cung - cầu điện cho sản xuất, kinh doanh.
Theo Chính phủ, giá điện hiện được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, với hai cơ chế là hằng năm và trong năm. Cơ chế hằng năm điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào tất cả các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều hành, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và trong năm khi có biến động đầu vào khâu phát điện.
Khi các thông số đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm) với chu kỳ điều chỉnh là tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Tuy nhiên, điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc tăng giá có thể tác động tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp nên Quyết định 24 cũng quy định việc báo cáo Thủ tướng có ý kiến việc điều chỉnh giá mặt hàng này.
Chính phủ cho hay, giá điện giai đoạn 2020 - 2022 được giữ ổn định. Từ đầu năm 2022 giá nhiên liệu tăng cao đã làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Tới 04/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3%, mức thấp nhất theo quy định tại Quyết định 24, nhằm giảm tác động tới nền kinh tế, giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN.
Thẩm tra nội dung này, các cơ quan của Quốc hội đánh giá, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.
Ủy ban Kinh tế yêu cầu bảo đảm minh bạch trong điều chỉnh giá điện
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) vẫn chưa hoàn thiện. Các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT" gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.
Cạnh đó, chính sách, pháp luật về giá điện còn bộc lộ một số bất cập, như chưa tách bạch các chi phí về giá phân phối điện, phí điều độ vận hành hệ thống...; yêu cầu về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi. Mặt khác, thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành giá bán lẻ điện cũng còn bất cập.
Là cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện trong thời gian vừa qua và phải phù hợp với giai đoạn sắp tới. Cơ quan này lưu ý, việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
Đề cập đến các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, Thường trực Ủy ban Kinh tế yêu cầu đẩy nhanh triển khai các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện mùa khô cuối năm 2023, đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới đang triển khai để kịp thời đưa vào vận hành.
Công tác kiểm tra, bảo dưỡng để duy trì vận hành ổn định lưới điện truyền tải, theo Ủy ban Kinh tế, cần được tăng cường. Đồng thời, Chính phủ cần sớm đưa ra cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc này, tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, giá điện cần được cập nhật, tính toán đầy đủ các chi phí sản xuất mới, phát sinh.
Ông Thành nhìn nhận, khi tăng giá điện sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội. Nhưng theo ông, sẽ không có chuyển đổi xanh, không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư.
Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, nên ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, một trong những ưu tiên chính sách là cần kiên quyết thực hiện lộ trình tăng giá điện và giá các năng lượng theo hướng tính đủ chi phí kinh tế, xã hội. Việc này nhằm hạn chế, hoặc ít nhất không ưu đãi với các ngành kinh tế thâm dụng điện năng và buộc doanh nghiệp phải đổi mới giải pháp kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017 khi có sự biến động các thông số đầu vào sản xuất (phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, dịch vụ phụ trợ). Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% vào 4/5, lên mức 1.920,37 đồng một kWh.
Tương tự, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường, tương tự việc áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường với gạo. "Việc duy trì giá điện thấp theo kiểu "bao cấp" là nguyên chính gây căng thẳng cung - cầu, thậm chí xung đột trong đời sống" - ông Thiên nhìn nhận. Lý do là việc này khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ, đồng nghĩa nền sản xuất công nghệ thấp trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.
"Logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu" - ông Thiên nói.