Chính phủ trình 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Thứ Năm, 21/09/2023 08:03  | Hải Triều

|

(CATP) Cho rằng rút BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ, có thể tham vấn ý kiến rộng rãi để có phương án tối ưu.

Tiếp tục Phiên họp thứ 26, hôm qua (20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại lần trình này, Chính phủ thiết kế 2 phương án rút BHXH một lần. Cụ thể, phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần. Quy định này không áp dụng với các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của luật.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Quá trình thẩm tra, có ý kiến của Ủy ban Xã hội đề nghị kết hợp 2 phương án Chính phủ trình thành 1 phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận BHXH một lần.

"Việc này để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia BHXH. Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách" - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận

Lưu ý đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài..., Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần. Cơ quan này cũng khuyến nghị nên tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Nhìn nhận quy định rút BHXH một lần là "vấn đề hệ trọng", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn lắng nghe thêm ý kiến của Thường vụ Quốc hội để định hướng về 2 phương án Chính phủ đưa ra.

Nhắc lại Chủ tịch Quốc hội từng góp ý xem xét tích hợp để có phương án tối ưu, ông Dung phản ánh, thường trực Ban soạn thảo đã nghiên cứu. "Nếu như Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì chúng tôi báo cáo lại với Chính phủ, đây cũng là phương án thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 28, tức là khuyến khích những người tiếp tục bảo lưu và thực hiện, giảm chính sách đối với những người rút BHXH một lần theo đúng tinh thần Nghị quyết 28" - ông Dung báo cáo.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật lần này. Để hạn chế việc này, theo Chủ tịch Quốc hội, có nhiều cách, trong đó lớn nhất là rút thời gian đóng và hưởng BHXH từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. "Người lao động thấy một quãng thời gian chờ đợi đến 20 năm, bây giờ có 15 năm thì người ta phải cân nhắc" - Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Còn quyết định rút hay không rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội nói, đó là quyền của người lao động. Việc xây dựng luật vẫn phải bảo đảm quyền này. "Thường vụ Quốc hội bây giờ không nói được cụ thể là thế nào mà chỉ nói gợi ý nghiên cứu để đưa ra thảo luận thôi" - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và nói thêm, Chính phủ trình 2 phương án là quyền của cơ quan trình. Các cơ quan sẽ có quan điểm, thảo luận, sau đó trình Quốc hội xem xét.

Trên cơ sở 5 chính sách được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Dự luật cũng giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Chi phí quản lý BHXH.

Bình luận (0)

Lên đầu trang