Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phản ánh, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó, hai Bộ GTVT và Bộ KHĐT lập luận rằng KTNN không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)
Từ câu chuyện này, đại biểu Phương hỏi Bộ trưởng Thể: “Vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu KTNN không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?”.
Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT “rất trân trọng sự giúp đỡ của KTNN”. Ông Thể cho biết, khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT và chủ đầu tư đã chủ động mời kiểm toán vào chứ không phải như thông tin đại biểu nêu là Bộ không đồng ý cho kiểm toán vào.
"Chúng tôi chủ động mời, thậm chí mời cả công an vào", Bộ trưởng khẳng định và cho biết các dự án BOT được kiểm toán gần 100%.
Liên quan đến con số 222 năm “thu phí oan”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích: "Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư và nhà đầu tư triển khai xong sẽ tiến hành quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế doanh nghiệp làm, chúng ta điều chỉnh hợp đồng và hợp đồng này mới được thu phí".
Nói rõ thêm, Bộ trưởng Thể chia sẻ, số liệu 222 năm này là đúng nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán, cho thu phí thì giảm chứ không như số liệu kiểm toán.
Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Thể, đại biểu Bùi Văn Phương nhận định, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là chưa thoả đáng.
“Bộ trưởng trả lời rằng Bộ GTVT không né tránh mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán các dự án BOT. Trả lời của Bộ trưởng không chính xác, vì tôi đang ngồi cạnh đồng chí Tổng KTNN" – ông Phương thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn
Đại biểu của Ninh Bình cũng nêu rõ, Bộ chỉ mời kiểm toán 3 dự án là hầm Đèo Cả, Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Giang – Lạng Sơn. Còn trước đó, Bộ GTVT đồng ý với ý kiến của Bộ KHĐT là "không kiểm toán các dự án BOT".
Tái khẳng định thái độ của Bộ trong câu chuyện trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Trong quá trình làm, Bộ chỉ đạo các nhà đầu tư phải chủ động mời KTNN ngay từ đầu. Có khoảng 50-60 dự án BOT KTNN đã vào, cùng nhà đầu tư làm từng dự án”.
Cũng theo ông Thể, “việc này đến từ sự chỉ đạo của Bộ GTVT, ý thức của từng nhà đầu tư”. “Chúng tôi nói ngay từ đầu đã chủ động, còn sau này hậu kiểm những vấn đề lớn, nếu dự án nào có vấn đề, có dư luận thì chúng ta sẽ kết hợp làm rõ hơn" - tư lệnh ngành GTVT giải trình và cho biết, BOT đầu vào phải đảm bảo công khai minh bạch. Đầu vào mà rõ ràng thì đầu ra thu phí cần giám sát chặt chẽ.
“Hiện đã 62 trạm BOT trên toàn quốc đã được quyết toán” – theo Bộ trưởng Nguyễn Thể.
Trong báo cáo được gửi tới đại biểu trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã thông tin về tiến trình xử lý các bất cập tại các trạm thu phí BOT. Ông Thể khẳng định, đến thời điểm này các bất cập tại các trạm thu phí đã cơ bản được giải quyết.
Cụ thể là dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời gian hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án; chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng.
Đối với những trạm đang phải giải quyết như trạm BOT Cai Lậy, hiện Bộ đang phối hợp với địa phương, Bộ Công an để triển khai tổ chức thu vào thời điểm phù hợp. Mức thu, theo ông Thể, sẽ giảm tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng là 57%...). Phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận được mở rộng bán kính lên khoảng 10 km.
Giải trình về Trạm BOT T2 (Km50+050) Quốc lộ 91, ông Thể chia sẻ, nhà đầu tư đã dừng thu phí; Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương đề xuất, tính toán tác động đối với các phương án, đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn và các điều kiện về nguồn lực.
Với Trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ trưởng Thể cho biết, hiện Bộ GTVT đã thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm giá cho người dân khu vực lân cận, đang hoàn thiện thủ tục để thu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn 2 trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và Bỉm Sơm - Thanh Hóa thì đang nghiên cứu phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Thể nói rằng, 2 trạm này có “vị trí nằm ngoài phạm vi dự án do lịch sử để lại”. Mặc dù Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư triển khai tất cả các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đến nay chưa thể xử lý dứt điểm.