Việt Nam là nền kinh tế tốt nhất châu Á năm 2022
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tính riêng năm 2022, GDP quý 1 tăng 5,05%, quý 2 tăng 7,83%; quý 3 tăng 13,71%; quý 4 tăng 5,92%. Lạm phát 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Với mức tăng này đã vượt dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với Việt Nam là 7,5%.
Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế nước ta đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 732,5 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, trong đó có tới 10 tỷ USD là từ ngành nông nghiệp.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5
Giới quan sát kinh tế hầu hết đều nhìn nhận rằng các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên ADB và World Bank (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng.
Báo Asia Times nhận định Việt Nam sẽ kết thúc năm 2022 với tư cách là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở Châu Á, chủ yếu nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Thách thức 2023
Bước vào năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%, WB dự báo đạt 6,7%. Đây là triển vọng lạc quan so với triển vọng khá u ám ở những nền kinh tế khác.
IMF nhận định năm 2023 lạm phát cao và việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ; cuộc xung đột Nga - Ukraine; những tác động liên tục của đại dịch Covid-19, đặc biệt ở Trung Quốc làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Do vậy IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm còn 2,7% vào năm 2023. Nếu không so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, thì 2023 sẽ là năm yếu kém nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 2001.
Ngày 17-12-2022, tại Hà Nội, trong phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn".
Ổn định, phát triển sản xuất để bảo đảm tăng trưởng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế.
Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
"Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật..." - các vấn đề Thủ tướng nhấn mạnh cũng là những biện pháp để ổn định kinh tế, phát triển bền vững.
Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 cho thấy "những con gió ngược chiều" có thể tiếp tục xuất hiện, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, khôn lường tiềm ẩn những rủi ro, thách thức, có thể tác động nỗ lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do đó Việt Nam cần tạo nên khả năng thích ứng linh hoạt từ tất cả các chủ thể để vượt qua.
"Chúng ta không hoang mang, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp", Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra chỉ đạo thực tế.
Và chúng ta đang vượt qua những khó khăn thử thách khi cuối năm 2022 đơn hàng ở một số ngành, doanh nghiệp giảm đến 40%, đơn giá giảm 20% nên dự báo việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng. Đó là thông tin được đại diện công đoàn, doanh nghiệp và ngành lao động đưa ra tại cuộc làm việc về tình hình việc làm cuối năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TPHCM, chiều 21-12-2022. Theo LĐLĐ TPHCM, số liệu từ các cấp công đoàn, tính đến nay hơn 110.000 lao động trên địa bàn bị thiếu việc, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, trong đó có 6.300 công nhân bị cắt giảm.
Tuy nhiên kinh tế vĩ mô đang được giữ ổn định, khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của Việt Nam. Điều đó khẳng định Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dòng vốn FDI khỏe mạnh khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Có thể những thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần đi và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm tới (dự báo cũ là 6,0%).
Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho năm 2023 hầu hết đều nhận định kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại. Điều này sẽ kéo sự tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dù chúng ta vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ” tốt nhất, vẫn là điểm sáng kinh tế của thế giới.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng.
Chống đỡ "những cơn gió ngược"
Năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao để Việt Nam vượt qua "cơn gió ngược" này.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhắc đến việc Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế. "Việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm những "cơn gió ngược" đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển", ông Andrea Coppola nói.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để Việt Nam có thể vượt qua được "cơn gió ngược 2023"?
Trong khi đó, ông Andrea Coppola khuyến nghị Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản.
"Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát, xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư”, ông Andrea Coppola nói.
Nhưng có lẽ, hơn hết, để vượt qua khó khăn của năm 2023, phải bắt đầu bằng việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đó mới là nền tảng quan trọng nhất để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục đà phục hồi.