Đây là một trong những giải pháp về y tế được nêu trong Chương trình phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Chương trình được thiết kế thực hiện đến hết năm 2023 và tiếp tục thực hiện nếu còn phù hợp với thực tiễn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra là bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới..., Chính phủ đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Chính phủ xác định phải bảo đảm tỷ lệ bao phủ vắc xin trong Chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Đáng chú ý, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về y tế, Chính phủ nêu rõ bảo đảm tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin. Trước mắt, tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí cho người dân, sau khi tiêm đủ liều bổ sung, từng bước nghiên cứu cơ chế tiêm vắc xin dịch vụ sau khi tiêm đủ 3 mũi.
Chính phủ xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công, sản xuất vắc xin trong nước sớm nhất có thể. Triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật thông tin về người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, giám sát tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 và phục vụ phân bổ vắc xin hợp lý, hiệu quả. Thực hiện việc chia sẻ các thông tin quản lý dân cư liên quan do Bộ Công an thu thập với Bộ Y tế nhằm ước tính chính xác tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.
Đề cập đến năng lực giám sát, phòng chống dịch bệnh, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, đặc biệt chú trọng chất lượng thông tin ca bệnh làm nền tảng cho cơ sở dữ liệu dịch tễ học có chất lượng.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể; kiên trì thực hiện công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác…” ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao.
Theo Chính phủ, các tổ chức phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm lên bản đồ an toàn COVID (antoancovid.vn); thực hiện giãn cách xã hội khi dịch bùng phát mạnh vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống y tế.
Tiếp tục tăng cường việc xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm theo phương thức chủ động, khoa học, hiệu quả; thực hiện việc xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ, nhóm nguy cơ và tại ổ dịch. Khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm và khai báo khi tự phát hiện mình bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 kết hợp với xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình trốn tránh, làm lây lan dịch bệnh.
Chính phủ sẽ sắp xếp lại hệ thống Bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương
Điểm nhấn quan trọng trong giải pháp y tế, được Chính phủ nêu, là từng bước sắp xếp, củng cố hệ thống y tế.
Cụ thể, với hệ thống y tế tuyến Trung ương, Chính phủ đặt nhiệm vụ là từng bước hình thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trung ương và các Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng (trực thuộc Bộ Y tế) tại các vùng kinh tế - xã hội; sắp xếp lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, chuyển một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý, chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, bệnh viện thuộc các Trường Đại học của Bộ Y tế để triển khai kỹ thuật mới, hiện đại và hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Hình thành chuỗi bệnh viện; thành lập một số Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm vùng; tổ chức lại các cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cấp năng lực của các cơ sở sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế.
Với hệ thống y tế tuyến địa phương, sẽ hoàn thiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh; nâng cấp một số Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh thực hiện chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng (trực thuộc tỉnh, thành phố).
Sắp xếp lại các bệnh viện tuyến tỉnh hình thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh đủ khả năng cung cấp các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh kỹ thuật cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn; nâng cấp một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thực hiện chức năng của Bệnh viện đa khoa vùng theo vùng kinh tế - xã hội; kiện toàn hệ thống cấp cứu ngoại Bệnh viện (cấp cứu 115); thành lập một số Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm vùng; giải thể các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tại các tỉnh hoạt động không hiệu quả.
Hình thành Trung tâm Y tế cấp huyện đa chức năng (y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; dân số…) đủ năng lực để quản lý, theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn; phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường thuộc Trung tâm Y tế huyện…
Chính phủ cũng sẽ tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh thành phố có mật độ dân cư cao theo thực tiễn. Duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản tại tất cả các thôn, bản, ấp, tổ dân phố và được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng.
Liên quan đến năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chính phủ chủ trương thực hiện nâng cấp, tăng cường năng lực, nhân lực 2 lĩnh vực này. Huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ với hệ thống y tế nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19; cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thu phí dịch vụ chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi người bệnh tự nguyện chi trả.
Bên cạnh tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ khẳng định từng bước bảo đảm nhân lực y tế đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí như của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD (3,4 bác sỹ/1000 dân; 8 điều dưỡng/1000 dân). Cơ bản đáp ứng số lượng và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn; đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.
Đồng thời, thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, viên chức ngành y tế, điều chỉnh chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở lên mức 100%. Theo quy định hiện này, cán bộ, nhân viên y tế hiện được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40% - 70% tùy thuộc vào vị trí, địa bàn công tác, như vậy, nếu điều chỉnh lên mức 100% thì chỉ tăng từ 30% - 60% so với mức như hiện nay.
Ngoài ra, chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch cũng sẽ được nghiên cứu cho tương xứng với đóng góp của lực lượng này.