Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tinh vi

Thứ Năm, 14/04/2016 14:23  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết như vậy trong tọa đàm “Giải pháp giảm tội phạm trên địa bàn TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 14-4.

Lo ngại loại tội phạm không biên giới

Theo đại tá Thông, trong năm 2015, đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm 52,8% trong cơ cấu độ tuổi phạm tội. Về cơ cấu nghề nghiệp, đối tượng phạm tội không nghề nghiệp chiếm gần 63%. Về cơ cấu tội danh, phạm pháp hình sự chiếm 79,63%.

Tạo đàm tìm giải pháp kéo giảm tội phạm trên địa bàn TP.HCM

Điều này cho thấy, những đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa vì độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi là giai đoạn học tập, làm việc. Vì vậy, sự vào cuộc của tất cả ban ngành liên quan mới có thể kéo giảm được tội phạm.

Đánh giá về nguyên nhân đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, đại tá Thông nhấn mạnh vai trò của gia đình, bên cạnh đó là công tác quản lý xã hội và môi trường giáo dục.

“Các thanh niên thức nguyên đêm ngoài đường rồi kéo nhau vào nhà trọ, khách sạn ngủ lại chiếm số lượng không nhỏ. Vậy, công tác giáo dục con em ở mỗi gia đình này là như thế nào lại để xảy ra tình trạng như vậy? Điều này cho thấy, buông lỏng quản lý từ gia đình là yếu tố dẫn đến phát sinh tội phạm”, đại tá Thông dẫn chứng.

Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho rằng, cần nhân rộng mô hình đội nhóm hiệp sĩ, có cơ chế pháp lý, chính sách đãi ngộ cụ thể để thuận lợi hơn trong công tác phòng chống tội phạm

Theo đánh giá của đại tá Thông, tội phạm công nghệ cao không giảm mà có chiều hướng gia tăng gây thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Loại tội phạm này không có biên giới.

Đại tá Thông cho rằng, sự kết nối đồng bộ giữa các hệ thống camera sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong công tác điều tra, phá án, đồng thời ngăn ngừa tội phạm phát sinh.

Còn theo Thượng tá Vũ Như Hà, phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, quý I năm 2016, mặc dù tình hình tội phạm trên địa bàn TP.HCM được kéo giảm trên 15% nhưng diễn biến phức tạp, phát sinh từ các nguyên nhân mới. Trong đó, có đối tượng nghiện ngập phạm pháp hình sự.

Trong năm 2015, Công an TP.HCM thực hiện chủ trương đưa người nghiện không nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, những trường đối tượng nghiện có nơi cư trú ổn định thì vẫn còn nhiều vướng mắc và có xu hướng phạm tội.

“Quan điểm của Công an TP là xem người nghiện như người bệnh và tạo mọi điều kiện để cắt cơn, cai nghiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng nhưng hiện nay, tỉ lệ gây án trong nhóm đối tượng này rất cao”, thượng tá Hà thông tin.

Theo thượng tá Hà, công tác xử lý các đối tượng tiêu thụ tài sản do các đối tượng phạm tội mà có còn nhiều khó khăn vì việc buôn bán giữa này không có giấy tờ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tình hình phạm tội xâm hại tài sản của người khác.

Lắp camera an ninh để kéo giảm tội phạm

Ông Đoàn Tạ Cửu Long - phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM cho hay, tội phạm về trật tự xã hội chiếm trên 70%. Trong đó, trộm cắp, cướp giật chiếm đa số (hơn 60%). Kể từ tháng 7-2016, bằng chứng, chứng cứ điện tử (âm thanh, hình ảnh, video) sẽ có hiệu lực, do đó việc lắp đặt camera sẽ hỗ trợ nhận dạng trong quá trình điều tra và kéo giảm tội phạm.

Thượng tá Huỳnh Văn Hùng - phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động TP.HCM

Phát biểu tại buổi tọa đàm, thượng tá Huỳnh Văn Hùng - phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động TP.HCM cho biết, trấn áp tội phạm là công tác thường xuyên của đơn vị nhằm duy trì ổn định trật tự xã hội. Theo thượng tá Hùng, thời gian qua đơn vị này bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát bí mật lẫn công khai 24/24 ở các tuyến đường, địa bàn trọng điểm và việc lắp đặt camera an ninh hỗ trợ khi có sự cố bạo loạn xảy ra.

“Xâm phạm tài sản, cướp giật… là các tệ nạn đi cùng với cuộc sống. Vì vậy các cấp lãnh đạo, chính quyền cần chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Hướng dẫn cụ thể cho người dân cách để bảo vệ mình cũng như tài sản”, thượng tá Hùng chia sẻ.

Là địa phương đi đầu trong việc lắp hệ thống camera an ninh, trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp cho biết, từ khi mô hình lắp camera của địa phương đi vào hoạt động đến nay đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực và có rất nhiều đơn vị đến học tập về mô hình này.

“Nếu xem việc lắp camera an ninh là giải pháp kéo giảm tội phạm thì phải thực hiện ổn định, lâu dài. Cần phải tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ về hiệu quả thì mới nhận được sự đồng thuận cao từ quần chúng”, trung tá Hưng cho biết.

Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp

Tuy nhiên, vấn đề phối hợp xử lý thông qua camera và bảo dưỡng cũng phải được chú trọng. “Đối tượng phạm tội ra tay rất nhanh, nếu phát hiện qua camera rồi gọi điện cho đồng nghiệp thì bọn chúng đã thực hiện xong hành vi và rời khỏi hiện trường. Vì vậy, đơn vị tôi liên lạc qua bộ đàm để xử lý khi có trộm cắp xảy ra”, trung tá Hưng chia sẻ.

Theo TS Võ Văn Khang - Phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam, hiện nay đối tượng phạm tội dễ dàng xâm nhập hệ thống camera gia đình theo dõi mọi hoạt động và chọn thời điểm ra tay. “Bị trộm lấy camera đắt tiền, nhiều gia đình không lắp nữa vì sợ trộm tiếp. Vì thế mà việc lắp camera ở gia đình vẫn còn nhiều trắc trở”, TS Khang cho hay.

Thành phần khách mời dự tọa đàm:

1. Ông Đoàn Tạ Cửu Long - Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM

2. Thượng tá Vũ Như Hà - Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM

3. Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM

4. Thượng tá Trần Văn Sơn - Phó trưởng Công an quận 7

5. Trung tá Lê Thành Hưng - Trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp

6. Trung tá, tiến sĩ Hoàng Đức Mạnh - Trường đại học Cảnh sát nhân dân

7. Ông Bùi Việt Dương - Trưởng phòng bưu chính viễn thông, Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM

8. Hiệp sĩ đường phố Nguyễn Văn Minh Tiến

9. TS Võ Văn Khang - Phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam

10. Ông Trương Công Minh Hiển - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thế Giới Công Nghệ (HDKING)

11. Thượng tá Huỳnh Văn Hùng - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động

12. Đại diện Phòng CSGT đường bộ và đường sắt

13. Đại diện Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội

Bình luận (1)

Rõ ràng sự quản của gia đình ở vn k đúng cách. Lúc thì đánh con dã man lúc thì chìu tối đa. k có chừng có mức j hết.

Ha - Thứ Năm, 14/04/2016, 19:28 Trả lời | Thích
Lên đầu trang