Dồn sức chuẩn bị ứng phó mưa lũ lớn

Chủ Nhật, 19/11/2017 16:43

|

Chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… đang dồn sức cho công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới.

Sáng sớm nay (19-11), khi đi vào vùng biển cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vẫn cảnh báo khả năng mưa lớn trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Từ đêm nay (19/11), do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).

Bình Thuận chủ động ứng phó mưa lũ sau áp thấp

Tại Bình Thuận, ngày 19/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới.

Xả lũ tại đập sông Lòng Sông, Tuy Phong, Bình Thuận

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai thực hiện lệnh cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ lúc 9 giờ 30’ ngày 18/11; thông tin cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về bão trên hệ thống trực canh của đơn vị, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, các chủ phương tiện vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.

Tại huyện Tuy Phong. ông Huỳnh Văn Điển- Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong vừa có thông báo khẩn về việc điều tiết lũ của các hồ chứa nước trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn gồm Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc, Phước Thể, Liên Hương tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai và bằng mọi biện pháp thông báo cho nhân dân biết, cẩn thận đề phòng trong quá trình sản xuất, đi lại, neo đậu tàu thuyền trên sông.

Khi có mưa, lũ không qua sông, không tiếp tục lao động sản xuất trong vùng tác động lũ của các hồ chứa nước. Ngoài ra, các địa phương phải lưu ý khi có mưa lớn, nước ở các khu vực nội đồng chảy ra sông và kênh thoát lũ kết hợp với nước điều tiết của các hồ chứa sẽ thành lưu lượng lớn.

Người dân đã cảnh giác hơn

Tại Khánh Hòa, ông Lê Đình Cường – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm cho biết, toàn huyện có 1.303 hộ dân với 3.935 nhân khẩu sinh sống gần sông, suối, sống trong các nhà tạm, nhà có nguy cơ sập cao đang được các địa phương khẩn trương di dời. Huyện yêu cầu các địa phương phải hoàn tất ngay trong tối 18/11.

Có mặt tại huyện Cam Lâm kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão số 14, ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương tiếp tục tập trung di dời người dân ở các vùng xung yếu; hỗ trợ lương thực, nước uống cho mọi người, không để ai phải thiếu.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo công tác phòng chống bão số 14 tại Cam Lâm

Hiện 3 hồ chứa nước trên địa bàn huyện Cam Lâm đang tiến hành điều tiết nước.

“Các đơn vị quản lý 3 hồ chứa nước phải liên tục theo dõi mực nước trong hồ. Nguồn điện cho các đập phải được đảm bảo, huyện phải chủ động trong việc chuẩn bị nguồn điện dự phòng cho các hồ, nhất quyết không được bị động. Cạnh đó, có phương án triển khai trong mọi tình huống, hạn chế tối đa thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng người dân” – ông Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, đến 19 giờ ngày 18/11, các tàu cá hoạt động trên vùng biển gần bờ đã vào nơi tránh trú bão, neo đậu an toàn.

Đến 23 giờ ngày 18/11, TP. Nha Trang đã hoàn thành việc di dời gần 900 hộ dân ở các phường Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Phương Sơn và xã Phước Đồng đến nơi an toàn.

Ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: "Trong thời gian người dân ở các điểm tập trung, địa phương bố trí đồ ăn, nước uống đầy đủ. Chúng tôi đã quán triệt rất kỹ vấn đề này. Bản thân các địa phương cũng đã làm rất tốt. Dù thế nào cũng không được để dân đói".

Ông Lê Huy Toàn cũng cho biết: "Lần trước thành phố Nha Trang đã làm khá tốt việc di dời. Đợt này, người dân chấp hành còn nghiêm túc hơn, tinh thần tự giác cũng cao hơn. Dường như sau những thiệt hại mà cơn bão số 12 gây ra, người dân đã rất sợ. Chính vì vậy, khi được thông báo người dân đã nhanh chóng đưa tàu thuyền đi trú ẩn, không để cơ quan chức năng phải nhắc nhở nhiều lần".

Chính quyền các cấp vào cuộc

Tại Ninh Thuận, ngày 18/11, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 14 tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam), Cảng Đông Hải (TP.Phan Rang-Tháp Chàm) và Cảng Ninh Chử (Ninh Hải).

Cùng ngày, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 14 tại huyện Ninh Hải.

Ngư dân huyện Ninh Hải khẩn trường đưa tàu thuyền vào tránh trú tại cảng Ninh Chữ

Chính quyền các địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực kêu gọi các tàu thuyền về cảng neo đậu, tránh trú bão. 100% tàu thuyền (2.651 chiếc/16.474 lao động) trên địa bàn tỉnh đã được liên lạc, thông báo, kêu gọi về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong và ngoài tỉnh; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tính đến 15 giờ ngày 18/11, tại 3 phường trọng điểm ven biển là Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Hải, UBND thành phố đã huy động các lực lượng hỗ trợ chằng chống trên 380 căn nhà, di dời tại chỗ 954 hộ/4.356 khẩu, sơ tán 509 hộ/2.247 khẩu đến các nơi an toàn.

Theo tổng hợp nhanh của Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 18/11, các lực lượng chức năng đã liên lạc được với 535 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với hơn 4.250 lao động và hơn 2.110 phương tiện trong tổng số 2.651 phương tiện tàu thuyền toàn tỉnh đã được neo đậu an toàn.

Ông Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết huyện vận động nhân dân giằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời gần 3.000 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn trước 21 giờ ngày 18/11.

Cột thu phát sóng cao 50m gãy đổ

Do ảnh hưởng của bão số 14, từ chiều tối 18 đến sáng 19/11, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có mưa to đến rất to, kèm theo gió lớn đã gây thiệt hại tại một số địa phương.

Vào tối 18/11, mưa to gió giật mạnh đã làm cột thu phát sóng ở khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị gãy đổ đè xuống 3 nhà dân. Tại hiện trường, cột thu phát sóng cao khoảng 50m bị gãy ở lưng chừng đổ đè lên mái nhà của người dân.

Từ chiều 18/11, các hồ thủy điện ở Thừa Thiên - Huế có lệnh xả lũ trong vòng 72 giờ, nhằm đưa mực nước các hồ về ngưỡng cho phép để đón đợt lũ mới có thể xảy ra.

Để chủ động ứng phó với bão số 14, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tổ chức kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn và cấm biển từ 9 giờ sáng ngày 18/11. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm các tàu thuyền du lịch, khai thác cát trong thời gian điều tiết xả lũ.

http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Don-suc-chuan-bi-ung-pho-mua-lu-lon/322512.vgp

Bình luận (0)

Lên đầu trang