Dự án Luật Cảnh vệ đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ

Thứ Năm, 22/02/2024 15:12  | Thanh Hòa

|

(CAO) Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.

Chiều 22/2, tại Phiên họp thứ 30 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu để trình Quốc hội xem xét thông qua quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Bổ sung thêm một số đối tượng cảnh vệ

Trước đó, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội thông qua dự án Luật Cảnh vệ tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời gian gần đây, nhất là thể chế Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an nhân dân; phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

“Thường trực UBQPAN thấy rằng, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định pháp luật; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật”- Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Đa số ý kiến trong Thường trực UBQPAN nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình và điều chỉnh của dự thảo Luật; phù hợp với mục đích, quan điểm xây dựng Luật là thể chế đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về nội dung cụ thể, Thường trực UBQPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp

Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định đối tượng cảnh vệ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, để bảo đảm tính chất tương ứng, nhất là khi đối tượng cảnh vệ đi công tác ở nước ngoài.

Chủ nhiệm UBQPAN cũng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực UBQPAN nhất trí với việc thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự như dự thảo Luật.

Lý do là quy định hiện hành còn rộng, nhất là các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức ở rất nhiều địa phương, đối tượng bảo vệ rộng và nhiều hội nghị, lễ hội chưa thực sự là “sự kiện đặc biệt quan trọng” như quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cảnh vệ; các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng rộng.

Mặt khác, hiện nay chúng ta thường xuyên tổ chức các hội nghị, lễ hội của Trung ương Đảng, Nhà nước và hội nghị quốc tế tại Việt Nam và nếu tất cả đều thực hiện công tác cảnh vệ sẽ dẫn đến dàn trải, tốn kém ngân sách nhà nước và khó khăn trong việc triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ.

Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội như dự thảo Luật là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan chủ trì hội nghị, lễ hội đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biệp pháp cảnh vệ phù hợp.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của Luật Cảnh vệ (điểm đ khoản 3 Điều 1), Dự thảo Luật bổ sung quy định: “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này”.

Về nội dung này, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý nhất trí với quy định của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn gặp khó khăn, chưa bảo đảm tính kịp thời đã tác động, ảnh hưởng đến tính hiệu quả.

Để khắc phục bất cập trên và bảo đảm tính linh hoạt, cần thiết giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới đánh giá, dự án Luật được chuẩn bị rất công phu, kĩ lưỡng

Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền thuê lực lượng, phương tiện bảo vệ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 12 Điều 1), Thường trực UBQPAN cho rằng, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài, nhưng lực lượng Cảnh vệ không đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thì được thuê.

Trong thực tế, khi các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đi đối ngoại tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc… thì việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ gặp nhiều khó khăn do sự khác nhau giữa pháp luật Việt Nam với các quốc gia đó.

Do đó, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ và phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Công an là người có thẩm quyền quyết định việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài cho phù hợp và tập trung nguồn lực thực hiện qua Bộ Công an.

Bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp sắp tới theo quy trình tại một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu tối đa ý kiến của Thường vụ Quốc hội để việc thông qua đạt được sự đồng thuận cao nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang