Quá sớm để coi Covid-19 là “cúm mùa”
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra với lãnh đạo 2 ngành Y tế và Giáo dục - Đào tạo liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.
Đặt vấn đề với Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phản ánh, nhiều trường sau khi mở cửa lại phải đóng do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều học sinh, giáo viên bị F0. “Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc mở của trường học trong bối cảnh dịch phức tạp hiện nay? Chất lượng dạy học như thế nào, những khó khăn được giải quyết ra sao trong thời gian tới?” – bà Nga nêu câu hỏi.
Quang cảnh phiên giải trình
Gửi câu hỏi tới Bộ Y tế, nữ đại biểu đề nghị cho biết khuyến cáo của ngành này để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.
Hồi đáp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, công tác tiêm chủng cho trẻ em đến hôm nay (25-2) đối với trẻ từ 18 tuổi trở lên đã được mũi 1,2,3. Mũi 1 đạt trên 99%; mũi 2 đạt 98%; mũi 3 là 32%.
Còn trẻ từ 5-11 tuổi chưa tiêm cho nên Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý cho Bộ mua 22 triệu liều vaccine tiêm cho lứa tuổi này. Hiện Bộ cũng đã có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, làm sao đạt bao phủ nhanh nhất.
“Có đại biểu và người dân cho rằng giờ mắc Covid-19 như là cúm thông thường nhưng khi chúng tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì họ cho biết còn quá sớm để coi là “cúm mùa” và dịch còn phức tạp, chưa kết thúc trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới” – ông Tuyên thông tin. Vì thế, theo ông, vẫn phải chống dịch trong giai đoạn mới.
Đề cập đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ không có văn bản nào “cấm” mà chỉ hướng dẫn về việc này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
“Sau Tết học sinh học được 1 tuần xuất hiện ca bệnh nên các địa phương ra văn bản cấm hết” – ông Tuyên nói và cho rằng Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục có thể đi giám sát để nhắc nhở các địa phương.
“Trẻ đến trường có an toàn hay không?” - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu câu hỏi. Dẫn số liệu thống kê, ông Tuyên cho biết, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc 19%, tử vong chỉ 0,4%.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trẻ bị mắc covid-19 diễn biến nhẹ và tử vong rất thấp. “Cơ bản là Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể chi tiết nên phụ huynh và nhà trường thực hiện tốt và có thể đưa trẻ em đến trường trong tình hình mới” – Thứ trưởng Tuyên nói.
Giáo viên và học sinh rất bình tĩnh
Nhìn nhận xu thế đưa học sinh trở lại trường học là tất yếu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, đến 11 giờ trưa 25-2, dù mỗi địa phương có cấp độ dịch khác nhau nhưng số học sinh quay trở lại học trực tiếp đạt 88,25%.
Ông Sơn nhấn mạnh, các địa phương linh hoạt căn cứ theo tình hình, không nên cứng nhắc. Các lúng túng về xử lý F0, bán trú cho học sinh 2 Bộ đều đã có hướng dẫn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình
Lo ngại tâm lý các em bị ảnh khi trở lại trường, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết việc này đã được quan tâm thế nào? Trả lời, Bộ trưởng Sơn chia sẻ, nhiều nơi trong lớp có ghi số bị F0 và F1. Các cháu này ở nhà học trực tuyến còn các cháu khác vẫn học bình thường. Hiện đang triển khai như vậy và giáo viên, học sinh cũng bình tĩnh ứng phó.
"Nhiều lớp ghi cả F0, F1 bao nhiêu và bao nhiêu đi học, hỏi có ám ảnh không nhưng họ nói không ám ảnh. Điều đó cho thấy tâm lý của giáo viên và học sinh rất bình tĩnh, còn lo lắng là phụ huynh nhiều hơn” – ông Sơn nhận định.
Tham gia trả lời, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Ngô Thị Minh nói, người lớn thích ứng an toàn thì không thể không cho học sinh và sinh viên thích ứng an toàn, cho nên không thể không cho các em đến trường được.
“Qua thống kê, hầu hết các em bị lây nhiễm ở gia đình, ngoài xã hội chứ lây nhiễm trong trường học tỷ lệ rất ít. Do đó phương án mở cửa trường học là không thể khác và đây là thích ứng linh hoạt”- bà Minh nhìn nhận.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Phát biểu trước phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tâm thần.
Cùng với đó, theo ông Mẫn, giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần.
“Theo khảo sát gần đây, ngoài sự chậm trễ trong học hành, nhiều trẻ em chịu cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực. Một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ họ đi làm và kết hôn sớm”- ông Mẫn nêu thực trạng và yêu cầu tập trung giải quyết.