Đóng góp ý kiến cho đề án đưa TPHCM thành Trung tâm tài chính quốc tế

Thứ Sáu, 25/02/2022 21:01

|

(CAO) Ngày 25/2, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế.

Ủy viên Ban Thường vu Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, tài chính…

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, trên ý tưởng về việc xây dựng TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM đã có từ cách đây gần 20 năm; khởi đầu từ những năm 2000 trong định hướng phát triển kinh tế, TPHCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính như là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế của TP.

Trên cơ sở đề nghị của UBND TPHCM và Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TPHCM nghiên cứu, lập Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trao đổi với đại biểu tại hội thảo

Đồng chí Phan Thị Thắng cho rằng, điều này không chỉ thể hiện khát vọng của TPHCM mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với nhiệm vụ “thúc đẩy TPHCM trở thành TTTC quốc tế” là một trong các chiến lược được đặt ra của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), góp phần quan trọng trong việc tạo cơ chế bứt phá để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và xa hơn là mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC, có rất nhiều thách thức cho TP. Vì để hình thành và vận hành hiệu quả các TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực, gồm: định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào TTTC; huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài cũng như hỗ trợ kết nối với các TTTC thế giới để phát triển hạ tầng phần cứng…

“Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển TPHCM thành TTTC quốc tế, làm cơ sở để TP tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương trong tháng 3/2022 trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. UBND TP mong muốn với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp TP có một đề án đảm bảo khoa học và có tính khả thi cao làm cơ sở để xây dựng các văn bản pháp lý, tổ chức triển khai xây dựng một TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM.” - đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Đóng góp cho đề án, TS Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, Quốc tế đánh giá TPHCM có tiềm năng trở thành TTTC toàn cầu chính thức. Nhưng khi hình thành vẫn còn bộc lộ một số điểm yếu. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, hiện các TTTC ở Đông Nam Á khi xây dựng TTTC thì bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính. Trong khi đó, ít nhất từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể.

TS Nguyễn Xuân Thành kiến nghị TPHCM cần có khung pháp lý cho tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Cơ chế này hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuê đất hay giảm thuế. Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng TTTC không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp. Đó là một hệ sinh thái. Và hệ sinh thái này đã rất phát triển tại Quận 1. Bên cạnh các trụ sở tài chính sẵn có tại Quận 1, TPHCM sẽ phát triển TTTC - thương mại tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến tại hội thảo

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, góp ý đề án của TPHCM còn thiếu phần đánh giá tác động với kinh tế về mặt định lượng; thiếu nội dung và quan điểm về việc sửa các luật liên quan. Về chọn nhà đầu tư chiến lược, theo TS Nguyễn Đức Kiên, đề án đi từ đầu tư bất động sản, đặt vào bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngân hàng số, Fintech (tài chính công nghệ).

Các ý kiến của chuyên gia tại hội thảo đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ đề án xây dựng TTTC quốc tế tại TPHCM. Đề án đề cập đến nhiều nội dung, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, cần phải có thêm ý kiến về cải cách thể chế, đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng số, cổ phần hóa doanh nghiệp, khung pháp lý để hình thành TTTC quốc tế, đánh giá rủi ro, tác động đa chiều khi hình thành TTTC. Cũng theo các chuyên gia, cần lắng nghe thêm ý kiến của các nhà đầu tư quốc tế để khi thành lập TTTC quốc tế có đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư…

Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng ghi nhận ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo để tổ đề án tiếp thu, chọn lọc, hoàn thiện đề án trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong thời gian tới. “TPHCM sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xin ý kiến, hoàn thiện đề án với mục tiêu khi xây dựng TTTC quốc tế có lợi nhất cho đất nước và cho TPHCM” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang