Những ngày gần đây, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin gần 1.000 sinh viên của trường Đại học Nông lâm TP.HCM buộc phải nhận quyết định thôi học của nhà trường.
Ở một nền giáo dục và ngay cả ở một xã hội mà cái tình vẫn thường thắng thế so với cái lý thì quyết định này của trường Đại học Nông lâm không khỏi gây “sốc”. Nhưng đó là cú sốc hợp lý.
Ngày 22.6, trường Đại học Nông lâm TP.HCM ra 4 quyết định buộc thôi học đối với 946 sinh viên. Cụ thể, buộc thôi học 180 sinh viên đại học và 109 sinh viên cao đẳng hệ chính quy đào tạo theo hệ thống tín chỉ với lí do: Cảnh báo học vụ lần 3. Buộc thôi học 554 sinh viên cao đẳng hệ chính quy đào tạo theo hệ thống tín chỉ và 103 sinh viên liên thông đại học cùng với lí do là không đăng kí môn học trong học kỳ 2 năm học 2014 – 2015 và học kỳ 1 năm học 2015 – 2016. Những sinh viên bị buộc thôi học kể từ học kỳ 3 năm học 2015 – 2016.
Ngày tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Nông lâm TP.HCM
Trao đổi với Dân Việt vào ngày 26.6, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng đào tạo của trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quy chế đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra. Đa phần những trường hợp bị buộc thôi học là những sinh viên gần như không còn thiết tha với việc học; có những môn học rất cơ bản nhưng không thể vượt qua. Vì thế, theo quy chế, những trường hợp nào liên tục 2 học kỳ không đăng kí được tín chỉ thì sẽ phải buộc thôi học. “Những trường hợp này nên dừng việc học để nhường chỗ lại cho những bạn khác. Đồng thời, dừng việc học lại để các em có cơ hội chuyển hướng việc học tập cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình”, TS. Trần Đình Lý giải thích.
Đây được xem là một trong những quyết định quan trọng của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình, TS. Trần Đình Lý bộc bạch: “Trong bối cảnh này, mạnh tay là cần thiết. Cũng có một số băn khoăn, suy nghĩ, dằn vặt… Nhưng việc các trường quyết liệt sàng lọc là cần thiết. Việc này cũng có ý nghĩa với tình trạng hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp mà thất nghiệp, chọn nghề sai phải làm lại từ đầu”.
Quyết định buộc thôi học gần 1.000 sinh viên của trường Đại học Nông lâm TP.HCM không phải là một hành động đầu tiên của các trường đại học trong việc siết chặt chất lượng đầu ra. Trước đó, đã có quyết định của trường Đại học Tây Nguyên buộc thôi học trên 1.000 sinh viên và trường Đại học Sư phạm TP.HCM với hơn 600 sinh viên… Vì sao các trường phải mạnh tay? Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ rằng: “Vấn đề nằm ở tinh thần, thái độ học tập. Không có chuyện cứ vào được trường là hiển nhiên ra trường được. Chúng ta phải bỏ suy nghĩ đó. Đây cũng là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Dừng việc học lại ở đây thì tốt hơn, nếu không sẽ gây lãng phí”.
Quyết định mạnh mẽ này của trường Đại học Nông lâm TP.HCM đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho biết đến thời điểm này, trường chưa ghi nhận bức xúc hay phản ứng nào từ phía các sinh viên bị buộc thôi học.
Anh Hoà An, một cựu sinh viên của trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định này của nhà trường: “Đây được xem là một tin gây sốc với sinh viên của các trường nhưng có thể lại là một tín hiệu đáng mừng đối với xã hội và là lời cảnh tỉnh cho các sinh viên khác nếu các bạn đang xem đại học là nơi trú chân an toàn hay việc học đại học là đơn giản. Đây còn là quyết định mạnh mẽ giúp xã hội phân luồng nguồn lực lao động, kịp thời cảnh tỉnh, chấn chỉnh các bạn sinh viên khác đang dao động trong quá trình học tập tại các trường đại học. Vì vậy, mạnh tay buộc thôi học hàng trăm sinh viên lại là một tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục".
Trước bậc thềm một kỳ thi đại học sắp tới, những quyết định mạnh mẽ như thế này là một tiếng chuông cảnh báo cần thiết để những tân sinh viên có một định hướng học tập chính xác.
* Tiêu đề được Báo Điện tử Công an TP.HCM đặt lại.
http://danviet.vn/tin-tuc/gan-1000-sv-dh-nong-lam-tphcm-bi-buoc-thoi-hoc-soc-nhung-hop-ly-689792.html
Theo Hoàng Hoa (Dân Việt)