(CAO) Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 86 triệu lút chất khai quang trên toàn miền Nam Việt Nam khiến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, hiện các công ty hóa chất của Mỹ đang tìm cách chối bỏ trách nhiệm đối với những hậu quả nặng nề mà thứ chất độc này gây ra. Đó là một sự không công bằng.
Sáng nay (2-8), gần 10.000 người dân thành phố đã tham gia cuộc đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TP.HCM (Vava TP.HCM) tổ chức tại công viên văn hóa Đầm Sen.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ phát động lễ đi bộ vì nạn nhân da cam - Ảnh: Thiên Long
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Vava TP.HCM cho biết từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 86 triệu lút chất khai quang trên toàn miền Nam Việt Nam. Trong đó có 61% chất đôc hóa học da cam (chứa 366 kg dioxin), một loại hóa chất cực độc có tính diệt chủng khiến hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm.
Bà Trần Tố Nga đồng hành cùng nạn nhân da cam Việt Nam - Ảnh: Thiên Long
Điều đáng nói, các công ty hóa chất của Mỹ đã chối bỏ trách nhiệm về những hậu quả nặng nề mà họ đã gây ra cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Các đơn kiện đòi bồi thường của nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng bị tòa án Hoa Kỳ bác đơn. “Đây là một việc làm không công bằng đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, ông Thổ nhấn mạnh.
Bà Trần Tố Nga (một người Pháp gốc Việt) đang theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ tại tòa án Pháp cho biết hiện nay vụ kiện đã được thu lý. Bà quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng không chỉ cho bản thân mà vì quyền lợi chung của những nạn nhân da cam Việt Nam. Điều đáng mừng là vụ kiện của bà Trần Tố Nga đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới luật gia cũng như cộng đồng quốc tế.
Nhiều người trong số họ bị phơi nhiễm ở thế hệ thứ ba - Ảnh: Thiên Long
Nhân buổi đi bộ đồng hành này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam kêu gọi mọi người hãy bằng những hành động thiết thực và cụ thể giúp đỡ những nạn nhân da cam, ủng hộ cuộc đấu trành đòi công lý, vì hòa bình và một thế giới không có vũ khí hóa học.