Nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới

Chủ Nhật, 17/10/2021 14:17

|

(CAO) Lo ngại này được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (NQ42).

677.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi tới Quốc hội về kết quả thực hiện NQ42, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 30/6/2021, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, bà Hồng thông tin, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 677 nghìn tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Riêng giai đoạn từ 30/6/2020 đến 30/6/2021, số nợ xấu nội bảng xử lý được là 188,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của khách hàng

Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Phân tích kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo NQ42, Thống đốc NHNN cho biết, tổng nợ xấu xác định của toàn hệ thống các TCTD đến 30/6/2021 là 425,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020.

Tổng số nợ xấu lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021 được xử lý là 354,6 nghìn tỷ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 183 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,61% tổng nợ xấu xác định theo NQ42 đã xử lý). Trong số này, khách hàng trả nợ là 136,5 nghìn tỷ đồng; TCTD nhận tài sản bảo đảm (TSBĐ) thay cho nghĩa vụ trả nợ là 3,2 nghìn tỷ đồng; Bán, phát mại TSBĐ là 7,4 nghìn tỷ đồng; Bán cho các tổ chức khác là 23,1 nghìn tỷ đồng và 12,8 nghìn tỷ đồng được xử lý theo các hình thức khác.

Việc xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo NQ, theo bà Hồng, là 93,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,37% tổng nợ xấu xác định theo NQ42 đã xử lý.

Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo NQ42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 78,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,02% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Tính trung bình, 1 tháng số nợ xấu được xử lý khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

“Trước khi có NQ42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng trả nợ còn chưa cao” - bà Hồng lý giải.

Đề xuất luật hoá việc xử lý nợ xấu

Thông tin về kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 30/6/2021, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 101.016 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Số này tương ứng với giá mua nợ là 98.371 tỷ đồng.

Về các khoản nợ mua theo giá trị thị trường (GTTT), lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 30/6/2021, VAMC đã mua được 336 khoản nợ đối với 192 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.541 tỷ đồng. Giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng.

Sau khi mua nợ theo GTTT, bà Hồng thông tin, VAMC đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ phù hợp để thu hồi nợ, như thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ, áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, thu giữ, bán đấu giá, bán thỏa thuận tài sản, hỗ trợ bên mua tài sản hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án…

Tính từ khi thành lập đến 30/6/2021, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý nợ với giá trị thu hồi nợ đạt 177.639 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi NQ42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 116.335 tỷ đồng, bằng 65,49% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2021.

Liên quan đến hoạt động đấu giá, định giá khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, từ khi NQ42 có hiệu lực đến 30/6/2021, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 21 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.297 tỷ đồng. Công ty này cũng thu giữ, nhận bàn giao một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD.

Khẳng định NQ 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ các khoản nợ xấu của TCTD, song bà Hồng phản ánh, quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu hay việc hỗ trợ thu giữ TSBĐ hay các quy định liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm…

Trước việc NQ42 sắp hết hiệu lực (15/8/2022), Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét việc rà soát, nghiên cứu để luật hóa các chính sách quy định tại NQ42 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của TCTD theo hướng ban hành 1 Luật riêng quy định về xử lý nợ xấu trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị quyết số 42.

“Trong trung và dài hạn, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn, mức độ lay lan nhanh hơn sẽ dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới” - lãnh đạo ngành ngân hàng lo ngại và cho rằng, để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang