Hầu hết các loại tội phạm đều giảm sâu
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, trong kỳ báo cáo (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021), Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm, nhất là ở các địa phương tội phạm tăng trong năm 2020.
Bộ trưởng Tô Lâm tặng bằng khen cho CBCS có thành tích xuất sắc trong giữ vững ANTT, phòng chống dịch bệnh hiệu quả
Công an các đơn vị, địa phương triển khai phương án tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19, trong đó tập trung xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch Covid-19 để hoạt động; tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Kết quả, toàn lực lượng đã điều tra, khám phá 38.027 vụ, đạt tỷ lệ 87,05%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Triệt xóa 2.284 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 6.067 đối tượng truy nã, trong đó có 1.562 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
“Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, hầu hết các loại tội phạm đều giảm” - Bộ trưởng khái quát.
Các trinh sát Công an TPHCM bắt giữ tử tù mắc Covid-19 trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hoà trong thời điểm TPHCM giãn cách xã hội phòng chống dịch
Qua con số thống kê số vụ phạm tội trên toàn quốc (43.683 vụ, giảm 8,06%), Bộ trưởng chỉ ra, tình hình tội phạm được kiềm chế, một số loại tội phạm giảm sâu một phần là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nên đã hạn chế điều kiện, khả năng hoạt động.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Công an lưu ý tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ tính chất nghiêm trọng.
Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 4,19%, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trên không gian mạng với các thủ đoạn mời gọi đầu tư tiền ảo, cổ phiếu theo hình thức đa cấp, chuyển tiền quốc tế, mua bán lan đột biến gen, đất nền các dự án...
Công an xử lý một trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng
Tội phạm giết người tuy giảm về số vụ nhưng xảy ra một số vụ hành vi gây án dã man, nhiều vụ do mâu thuẫn cá nhân bột phát, mâu thuẫn tình cảm kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời; giết người do đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ảo giác” hoặc có tiền sử bị bệnh tâm thần, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với tính chất phức tạp, trong đó số vụ chống lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiếm 22,81%. Số vụ chống lại lực lượng Công an chiếm 69,89%, làm 9 chiến sỹ hy sinh, 204 chiến sỹ bị thương…
Nhiều vụ án 'ghi dấu' đại dịch
Phân tích về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cho thấy sự gia tăng các vụ án liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đã phát hiện nhiều vụ liên quan các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 325 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, thu giữ gần 5 triệu khẩu trang y tế và nhiều tấn găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Bà Hoàng Thị Nga, chuyên viên Tổng cục đường bộ bị khởi tố trong vụ án cấp phép "luồng xanh" trái phép nhằm trục lợi
Công an TPHCM triệt phá 2 đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, không có nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 4.276 hộp thuốc trị giá hàng hóa vi phạm 1,2 tỷ đồng; triệt phá 1 đường dây tổ chức tiêm vắc xin “dịch vụ” với giá từ 2-4 triệu/người.
Công an TP. Hà Nội bắt giữ 1 vụ mua bán 4.200 bộ test nhanh Covid; 1 vụ kinh doanh 17.000 khẩu trang 3M có dấu hiệu làm giả, làm nhái; 1 vụ đối tượng nhận tiền để cấp thẻ “luồng xanh” vào thành phố...
Nhiều vụ án vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Bộ Công an triệt phá thời gian qua cũng phản ánh hoạt động phạm tội mới này.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian TP giãn cách xã hội
Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình trạng lợi dụng thương mại điện tử sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm tiếp tục có xu hướng gia tăng, tập trung vào hàng thiết yếu, tiêu dùng, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, phân bón, đặc biệt là xăng giả và khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch.
Liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhiều đối tượng lập trang web với mục đích lừa đảo, mua bán các sản phẩm phòng, chống dịch.
Điển hình như vụ các đối tượng đã lập hơn 300 website, thực hiện 40.000 giao dịch về các sản phẩm khan hiếm trong dịch bệnh như nước rửa tay, khẩu trang y tế với hơn 7000 nạn nhân ở 50 bang của Hoa Kỳ, chiếm đoạt 975.000 USD.
Ngoài ra, hành vi đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công an TPHCM ra quân trấn áp tội phạm, phòng chống dịch trong tình hình mới khi TP nới lỏng giãn cách xã hội
"Đã có hơn 3.400 chiến sỹ nhiễm dịch bệnh (trong đó 9 chiến sỹ tử vong), 3 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến chống COVID-19, cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm" - Bộ trưởng chia sẻ. Đây sẽ mãi là những hình ảnh đẹp về người chiến sỹ công an nhân dân trong cuộc chiến đấu tranh với tội phạm, vì sự bình yên của nhân dân.